Nhân kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Lào, Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Nâng tầm hợp tác, cùng hướng tới tương lai chung hòa bình, thịnh vượng, bền vững


Hơn 60 hoạt động dày đặc, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), thăm và làm việc tại Lào và thăm chính thức Thái Lan đã thành công tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, yêu cầu đề ra cả trên bình diện song phương và đa phương, nâng tầm hợp tác giữa Việt Nam và các nước, cùng nhau hướng tới tương lai chung hòa bình, thịnh vượng, bền vững, trong đó hợp tác nghị viện là một trụ cột quan trọng.

Nâng tầm hợp tác nghị viện, tạo đột phá mới về hợp tác kinh tế

Hội nghị cấp cao Quốc hội CLV lần thứ nhất là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng trong năm 2023 của lãnh đạo cấp cao nước ta và đã đạt được những kết quả nổi bật. Hội nghị đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa ba cơ quan lập pháp lên cấp cao nhất, là bước hiện thực hóa kết quả đạt được tại cuộc gặp cấp cao của người đứng đầu ba Đảng vào tháng 9/2021, hoàn thiện “ba đỉnh tam giác” của cơ chế hợp tác CLV: Người đứng đầu ba Đảng, Thủ tướng ba nước và giờ là Chủ tịch ba Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên toàn thể thứ nhất. Ảnh: Doãn Tấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên toàn thể thứ nhất. Ảnh: Doãn Tấn

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng, củng cố mối quan hệ hợp tác, tình đoàn kết giữa 3 nước trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, với những hình thái tập hợp lực lượng đa dạng, sự cạnh tranh quyền lực phức tạp. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đã nêu 5 đề xuất hợp tác giữa Quốc hội 3 nước trong các lĩnh vực chính trị - đối ngoại; kinh tế, thương mại, đầu tư; văn hóa - xã hội; môi trường, biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh việc Quốc hội 3 nước hơn bao giờ hết cần chung tay, góp sức củng cố nền tảng tin cậy chính trị, tình hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt Campuchia - Lào - Việt Nam; cùng phát huy trí tuệ tập thể, tăng cường chia sẻ thông tin, tham vấn giữa các cơ quan chuyên môn của 3 Quốc hội trong hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách pháp luật hỗ trợ các Chính phủ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Quốc hội ba nước tiếp tục giám sát việc triển khai hiệu quả các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác đã ký, đàm phán để ký một số văn kiện mới tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thuận lợi trong hợp tác giữa song phương cũng như giữa ba nước CLV nhằm tạo đột phá trong hợp tác về kinh tế, tăng cường bổ trợ, kết nối giữa ba nền kinh tế CLV cả về quy hoạch, thể chế, cơ sở hạ tầng và kinh tế số.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary chụp ảnh chung. Ảnh: Doãn Tấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary chụp ảnh chung. Ảnh: Doãn Tấn

Cùng với đó, Quốc hội 3 nước nghiên cứu tiếp tục thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực Tam giác phát triển CLV để khuyến khích thương mại - đầu tư, trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân tại khu vực Tam giác phát triển nói riêng và ba nước nói chung. Tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Hợp tác Quốc hội CLV để góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mekong...

Các đề xuất vừa mang tầm chiến lược, vừa thực chất, sâu sắc về hợp tác Quốc hội 3 nước của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được thể hiện đậm nét trong Tuyên bố chung của Hội nghị. Thành công của Hội nghị, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội “là dấu ấn lịch sử đưa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 3 Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy và củng cố mối quan hệ giữa 3 nước ngày càng phát triển, vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary. Ảnh: Doãn Tấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary. Ảnh: Doãn Tấn

Từ góc độ của Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành 3 nước tham dự Hội nghị cũng cho biết, kết quả Hội nghị có ý nghĩa hết sức thiết thực hỗ trợ việc thúc đẩy hơn nữa triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030 và Kế hoạch tăng cường du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Tham dự với vai trò khách mời, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Lào Alexander Kremer cho biết, WB coi sự hội nhập kinh tế của 3 nước CLV là một phần rất quan trọng của sự phát triển kinh tế khu vực. Bày tỏ rất vui mừng về sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước, ông cũng cho rằng, vai trò của Quốc hội đặc biệt quan trọng vì Quốc hội đại diện cho nhân dân và có quyền giám sát hoạt động của Chính phủ. “Mục đích cốt lõi của phát triển ở khu vực là làm thế nào để bảo đảm lợi ích của cộng đồng được đặt trước lợi ích cá nhân. Và đó chính xác là những gì Quốc hội 3 nước có thể thực hiện: ủng hộ việc thành lập các thỏa thuận hợp tác về giao thông vận tải, loại bỏ các rào cản về thuế quan và bảo đảm cho các cơ sở hạ tầng, hải quan, hậu cần có thể được xây dựng một cách thuận lợi, hay là làm thế nào để hệ thống điện được phát triển một cách đồng bộ cho cả khu vực thay vì chỉ dựa vào những hợp đồng đơn lẻ... Đây là những việc mà Quốc hội có thể làm và chúng tôi rất hào hứng về việc triển khai của cơ chế hợp tác giữa ba Quốc hội CLV”, ông Alexander Kremer nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary với đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary với đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn

Đánh giá cao việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV, Trưởng đại diện UNDP tại Lào Martine Thérer cũng nêu rõ, cả ba nước cùng gắn bó với nhau bởi địa lý, lịch sử và cùng có những thách thức chung. “Một khuôn khổ hợp tác cấp khu vực sẽ thực sự giúp các nước giải quyết được cả những vấn đề xuyên biên giới. Trong đó, Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước, trao đổi ý tưởng, các bài học kinh nghiệm, đưa mọi người đến gần nhau để tìm ra những giải pháp sáng tạo, những kế hoạch hành động bảo đảm sự phát triển của con người và cho mỗi quốc gia”, bà Martine Thérer nhấn mạnh.

Tình nghĩa Việt - Lào mãi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt không tách rời

Cùng với tham dự Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có các hoạt động thăm và làm việc tại Lào đạt kết quả rất toàn diện và thực chất. Chuyến thăm tiếp tục khẳng định Việt Nam trước sau như một, luôn dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ truyền thống đặc biệt “có một không hai” với Lào, luôn sát cánh và ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc bảo vệ, xây dựng, đổi mới và phát triển của Lào.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, tuy không phải là chuyến thăm chính thức, nhưng phía Lào đã dành cho Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thắm tình hữu nghị anh em. Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào, thăm các nguyên Lãnh đạo, dự cuộc gặp mặt giữa các thế hệ thầy giáo, cô giáo và lưu học sinh Lào tại Việt Nam của Trường Hữu nghị T78; gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng người Việt Nam tại Lào... Chủ tịch Quốc hội và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào đã trao đổi tin cậy nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa hai Quốc hội nói riêng; giúp triển khai tốt các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Hai bên nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, cả kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng “mềm” về thể chế, hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, tài chính, ngân hàng; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy đầu tư sang Lào, tạo đột phá đưa quan hệ hợp tác kinh tế tương xứng với mối quan hệ vĩ đại Việt Nam - Lào... Lãnh đạo cấp cao Lào đã chủ động trao đổi thực chất, cụ thể với Chủ tịch Quốc hội về những khó khăn, vướng mắc trong một số dự án trọng điểm; mong muốn tìm giải pháp tháo gỡ, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong quan hệ hợp tác kinh tế.

Tại cuộc gặp mặt với hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam tại Lào diễn ra sau đó, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, “nguyện vọng cháy bỏng của hai Đảng, hai Nhà nước là tạo được bước đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại song phương”.

Thực tế cũng cho thấy, hơn một năm sau cuộc gặp mặt đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 5/2022, đến nay, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành hai nước phối hợp giải quyết, góp phần tạo nên những khởi sắc và thành công mới trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Một số dự án lớn, với sự đầu tư ba bên (Việt Nam - Lào và một đối tác phát triển) đã tiếp tục được khởi động, như dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk phối hợp với Nhật Bản, hay các dự án về năng lượng tái tạo, điện gió, quy mô lớn cũng được thúc đẩy đầu tư... “Đảng, Nhà nước hai nước đều đang nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn. Chúng ta có quyền lạc quan, quyết chí bền gan thì chắc chắn sẽ thành công tại Lào”, Chủ tịch Quốc hội gửi thông điệp đến các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.

Một dấu ấn đặc biệt trong chuyến thăm và làm việc tại Lào của Chủ tịch Quốc hội là cuộc gặp mặt lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Vientiane giữa các thế hệ lưu học sinh và cán bộ, giáo viên Trường Hữu nghị T78. Khán phòng Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Lào hôm đó chật kín người và thấm đẫm nghĩa tình Lào - Việt. Những cái ôm, nắm tay thật chặt và những giọt nước mắt mừng vui ngày hội ngộ cùng những kỷ niệm sâu sắc không thể phai mờ về những năm tháng chiến tranh gian khó nhất đã được Đảng và Nhà nước Lào cử đi học tại Việt Nam, được các thầy cô giáo và người dân Việt Nam đùm bọc, dạy dỗ... được chia sẻ, được nhắc nhớ... tại cuộc gặp mặt.

Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane cho rằng, cuộc gặp mặt là “kỷ niệm khó phai đối với các thế hệ trước đây cũng như thế hệ trẻ về lịch sử đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như thời kỳ bảo vệ và xây dựng đất nước, đặc biệt là việc tạo nguồn nhân lực cho Lào tại Việt Nam”. Từ cuộc gặp mặt hết sức ý nghĩa ấy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xúc động cho rằng, “dù cho thời cuộc đổi thay, nhưng thế hệ nối tiếp thế hệ, tình cảm thủy chung, son sắt giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt - Lào chúng ta mãi luôn không thay đổi và ngày càng được củng cố, khắc sâu trong tâm trí mọi tầng lớp nhân dân, cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Tin cậy, cởi mở, hợp tác hiệu quả trên nguyên tắc cùng có lợi, cùng thắng

Với Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Thái Lan sau khi bạn có Chính phủ mới; đồng thời cũng là người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội bạn. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hết sức ý nghĩa khi hai nước đang kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (2013-2023). Chuyến thăm được truyền thông Thái Lan đánh giá là "sự tiếp nối quá khứ, thúc đẩy tương lai, đồng thời là bước đệm để hai nước nâng tầm quan hệ" trong thời gian tới. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha ký và trao đổi Bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Thái Lan. Ảnh: Doãn Tấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha ký và trao đổi Bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Thái Lan. Ảnh: Doãn Tấn

Thành công của chuyến thăm thể hiện ở sự đón tiếp chu đáo, trọng thị ở mức cao và có những ngoại lệ, cùng tình cảm thân thiết mà Lãnh đạo và nhân dân Thái Lan dành cho đất nước Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với các Lãnh đạo cao nhất của Thái Lan. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội nước ngoài đầu tiên hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan - một ngoại lệ thể hiện tình cảm đặc biệt của Nhà vua với quan hệ hai nước.

Qua các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo Thái Lan đều khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực; nhất trí về các phương hướng lớn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Hai bên cũng trao đổi các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả chiến lược “Ba kết nối”, trong đó có kết nối chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp và địa phương hai nước; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng công bằng nhằm kết nối hiệu quả các chiến lược phát triển bền vững của hai nước. Đặc biệt, Lãnh đạo Thái Lan đồng tình và đánh giá cao thông điệp “hợp tác cùng thắng, cùng có lợi” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Thái Lan mong muốn nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2024 tới. 

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước cũng là một trong những nội dung luôn được Chủ tịch Quốc hội quan tâm thúc đẩy trong các chuyến thăm nước ngoài. Lần này, tại Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội đã dự Diễn đàn chính sách, pháp luật về hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước; chứng kiến lễ ra mắt Phòng Thương mại Việt Nam - Thái Lan tại Thái Lan và dành thời gian tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu của Thái Lan. "Chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác với nhau theo nguyên tắc cùng thắng và cùng cùng có lợi. Thay cho việc áp đặt các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật phi thuế quan, trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, càng phải tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hàng hóa cho nhau, phấn đấu sớm đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD theo hướng bền vững hơn" - Thông điệp của Chủ tịch Quốc hội đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của lãnh đạo hơn 400 doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn, thể hiện qua những tràng pháo tay hân hoan, kéo dài bởi đó cũng là mong muốn của doanh nghiệp hai nước. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai. Ảnh: Doãn Tấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai. Ảnh: Doãn Tấn

Chuyến thăm ghi một dấu mốc mới trong hợp tác nghị viện hai nước khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Thái Lan đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Thái Lan; Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và Quyền Tổng Thư ký Hạ viện Thái Lan ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Thái Lan. Đây là những văn kiện có ý nghĩa quan trọng để Quốc hội hai nước tăng cường quan hệ, làm sâu sắc hơn các nội hàm hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, phát huy mạnh mẽ vai trò của nghị viện trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Thái Lan, nhất là trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hướng tới nâng cấp quan hệ trong tương lai gần.

Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm hai Đại học lớn của Hoàng gia, trong đó đã có phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Chulalongkorn - một trong những Đại học danh tiếng và lâu đời nhất tại Thái Lan, nơi “ươm mầm” cho rất nhiều thế hệ tài năng của Thái Lan và nhiều quốc gia trên thế giới.

Với nhan đề “Tăng cường sự gắn bó, tin cậy và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan vì một tương lai chung hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững”, phát biểu của Chủ tịch Quốc hội để lại ấn tượng sâu sắc với các đại biểu tham dự, nhất là thông điệp “để có hòa bình lâu dài và bền vững, tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Thái Lan, các nước thành viên ASEAN, đều có trách nhiệm đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác; tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực. Đây là vấn đề sống còn của ngày hôm nay, đồng thời là trách nhiệm của chúng ta với các thế hệ mai sau”.

Một dấu ấn sâu đậm của tình hữu nghị hai nước trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội là việc khánh thành “Phố Việt Nam” (Vietnam Town) đầu tiên trên thế giới và dự Lễ khởi công dự án mở rộng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh  Udon Thani - địa phương có đông kiều bào ta sinh sống nhất ở Thái Lan. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu cắt băng khai trương khu Viet Nam Town. Ảnh: Doãn Tấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu cắt băng khai trương khu Viet Nam Town. Ảnh: Doãn Tấn

Nhiều năm qua, Thái Lan luôn dành sự quan tâm, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam với hơn 20 ngôi chùa của người Việt, 3 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 2 khu do cộng đồng người Việt Nam quản lý tại tỉnh Udon Thani và tỉnh Nakhon Phanom. Đại học Hoàng gia Rajabhat Udon Thani cũng vừa thành lập Trung tâm Việt Nam học. Tiếp nối truyền thống đó, việc khai trương Phố Việt Nam và Khởi công dự án mở rộng Khu di tích Hồ Chí Minh hết sức có ý nghĩa, như Tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani nhấn mạnh “Phố Việt Nam là biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và nhân dân hai nước”. Với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cho biết, nhiều năm qua luôn được người dân địa phương quan tâm giữ gìn, thu hút đông đảo du khách, bà con kiều bào và khách du lịch quốc tế đến tưởng niệm vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, “là biểu tượng mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước. Chính quyền và nhân dân tỉnh Udon Thani cam kết sẽ tích cực phối hợp trong quá trình xây dựng công trình đạt kết quả tốt đẹp nhất”.

Với những kết quả toàn diện, thực chất, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, yêu cầu đề ra cả trên bình diện song phương và đa phương, chuyến công tác tại Lào và Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã ghi thêm một dấu ấn hết sức sôi động và hiệu quả của ngoại giao nghị viện trong năm 2023.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vnbáo