Nâng trần lương tối đa, tăng dần lương tối thiểu
(Tài chính) Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, báo cáo cấp thẩm quyền nâng mức tiền lương tối đa đối với viên chức quản lý những DN có quy mô lớn, hiệu quả cao. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh tăng dần mức lương tối thiểu vùng.
DN chủ động xây dựng thang lương
Về những điểm mới trong cơ chế tiền lương và tác động của nó đối với doanh nghiệp (DN) và người lao động, ông Huân cho biết, theo cơ chế mới, DN được quyền chủ động xây dựng thang lương, bảng lương theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định, xếp lương cho người lao động, xác định kế hoạch quỹ tiền lương, quyết toán quỹ tiền lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh và chủ động trả lương cho người lao động theo quy chế trả lương của DN gắn với vị trí công việc.
Với DN nhà nước, tiền lương của viên chức quản lý tương ứng với quy mô của DN.
Theo đó, mức lương cơ bản tối đa đối với chủ tịch tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng, gắn với hiệu quả, sản xuất - kinh doanh, kết quả hoạt động quản lý, điều hành của viên chức quản lý.
Nếu hiệu quả kinh doanh tốt thì được hưởng thêm tối đa 0,5 lần mức lương cơ bản, trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định thì hưởng thấp hơn mức lương cơ bản, nếu lỗ thì chỉ được hưởng mức lương chế độ.
DN không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả cho viên chức quản lý.
Ngoài ra, DN phải công khai, minh bạch tiền lương, tiền thưởng của người lao động và viên chức quản lý thông qua báo cáo giám sát định kỳ, công khai trên website.
Nâng mức tiền lương tối đa đối với người quản lý DN lớn
Theo ông Huân, cơ chế tiền lương như trên đã có tác động tích cực, tạo sự chủ động cho DN.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đối với DN có quy mô lớn, hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao thì mức tiền lương mà Nhà nước khống chế ở mức tối đa không quá 1,5 lần mức lương cơ bản là chưa hợp lý, làm giảm động lực đội ngũ quản lý.
Để giải quyết bất cập này, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, báo cáo Chính phủ nâng mức tiền lương tối đa đối với viên chức quản lý những DN có quy mô lớn, hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện việc giám sát thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ.
Tăng dần lương tối thiểu
Trả lời câu hỏi việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu đối với doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới được thực hiện theo hướng nào để vừa phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên trong quan hệ lao động? Ông Huân cho rằng, trên thực tế, mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2015 vẫn chưa bảo đảm được nhu cầu sống tối thiểu.
Vì vậy, thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng dần mức lương tối thiểu vùng.
Ông cho biết, Chính phủ đã giao Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức thương lượng, thỏa thuận mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ công bố. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu phải được tính toán kỹ theo nguyên tắc kinh tế thị trường dựa trên thương lượng.
Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh của DN, tình hình tiền lương, thu nhập, việc làm của người lao động trên thị trường, mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt để xây dựng lộ trình điều chỉnh.
Bên cạnh đó, năm 2015, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghiên cứu các vấn đề tác động của tiền lương, tiền lương tối thiểu đến việc làm, thất nghiệp và các nội dung khác liên quan làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường.