“Né” ảnh hưởng của các cuộc chiến thương mại
Đi liền với những đánh giá kinh tế tích cực thì vẫn phải bàn đến các biện pháp bảo vệ sự phát triển hiệu quả bền vững, né tránh ảnh hưởng của mọi sự căng thẳng thương mại giữa nước này với nước khác trên thế giới. Đây đang là quan điểm, ý thức thời sự trong chỉ đạo kinh tế của các cơ quan nhà nước và ý kiến đề xuất, bàn thảo của nhiều chuyên gia kinh tế.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tháng 9 đã yêu cầu tăng cường phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp giảm tác động tới Việt Nam từ sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Không được chủ quan. Sở dĩ có sự chỉ đạo như vậy của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã leo thang lên mức mới khi chủ trương của Mỹ áp thuế 10 % với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/9.
Thuế suất trên sẽ tăng lên 25% kể từ đầu năm 2019. Đây là đợt thuế thứ ba của chính quyền Mỹ nằm trong chiến lược gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi hành vi thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đã gây thiệt hại cho các công ty Mỹ. Tất nhiên, phía Trung Quốc cũng có những phản ứng mạnh mẽ trở lại và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây ra biến động thế giới về tỷ giá, chứng khoán và thương mại của nhiều nước. Nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn sang các nước để mượn xuất xứ sẽ gia tăng, Việt Nam lại ở ngay cạnh Trung Quốc nên nguy cơ đó càng cao.
Sự đề phòng ảnh hưởng xấu của những sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa một số nước trên thế giới, lúc này lúc khác xảy ra với nhau, đang hiện hữu gay gắt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, là vô cùng cần thiết để bảo đảm sự phát triển trên đà đi lên của kinh tế nước ta. Khi tháng 9 và 9 tháng năm 2018 đạt toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, GDP 9 tháng tăng 6,98% là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.
Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65% là một động lực chính của tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3.57%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD tăng 15,4%. Xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD là kỷ lục rất đáng mừng. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng cầu tăng mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Trong 9 tháng cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Tuy nhiên điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo lắng hàng đầu là sức ép lạm phát rất lớn do cả nguyên nhân bên trong và bên ngoài. Trước tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Thủ tướng yêu cầu cần được nhận diện rõ hơn, thẳng thắn hơn, tỉnh táo hơn, để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực.
Theo Tổng cục Thống kê, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục mở rộng và kéo dài thì tác động tới nền kinh tế Việt Nam sẽ không nhỏ, rõ nhất là xu hướng dịch chuyển sản xuất của nhiều nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam cận kề có thể trở thành nơi nhận các dự án quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu. Doanh nghiệp Trung Quốc có thể núp các bóng quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để tận dụng lợi thế xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, môi trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ đảo chiều, xu hướng hợp tác song phương, đa phương sẽ gia tăng, buộc Việt Nam phải có những tính toán cẩn trọng hơn, nhất là với một số ngành kinh tế dễ bị ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Như ngành công nghiệp, trong 9 tháng đầu năm sản xuất tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.
Tuy nhiên, chính ngành công nghiệp cũng đang lo lắng và cảnh giác trước ảnh hưởng của các mâu thuẫn, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ diễn ra sớm hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế, có thể gây xáo trộn thị trường tài chính trong nước, gây rủi ro, suy giảm tăng trưởng ở các nước vốn là bạn hàng lớn của Việt Nam như EU, Nhật Bản và Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, kinh tế đối ngoại của nước ta hiện đang có thể lạc quan về sự tăng trưởng. Một chỉ tiêu quan trọng là độ mở của nền kinh tế, tỷ lệ giữa kim ngạch xuất khẩu/ kim ngạch nhập khẩu và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP của Việt Nam năm 2017 thuộc loại khá cao, đứng vào top 5 trên thế giới và khả năng năm 2018 còn cao hơn. Có điều là độ mở cao cuả nền kinh tế Việt Nam chủ yếu mới là số lượng chứ chất lượng và thực thu vẫn còn thấp, nhất là với xuất khẩu hàng hóa.
Tình hình này sẽ còn khả năng sụt giảm hơn nữa do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hàng hóa Trung Quốc bị chặn đường sang thị trường Mỹ sẽ tràn nhiều sang Việt Nam, cũng như tràn vào cạnh tranh mãnh liệt với hàng Việt Nam tại nhiều thị trường trên thế giới mà nước ta đang xem là các thị trướng chính để xuất khẩu hàng hóa.
Trước những thực trạng không thể không lo ngại như trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương đề xuất giải pháp giảm tác động tới kinh tế Việt Nam của của sự căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư. Ngân hàng nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, tài chính trong nước và thế giới để ứng phó, xử lý kịp thời.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã hoàn thành một báo cáo khá chi tiết về những rủi ro có thể đến với Việt Nam do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bộ nhận định, dù chưa bị cuốn vào cuộc chiến thương mại, nhưng Việt Nam đang tham gia tích cực vào việc hình thành và phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, chắc chắn không tránh khỏi những tác động nhất định, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp chủ động hơn để kịp thời nắm bắt các bước đi ứng phó kịp thời với các kịch bản thích hợp theo các cấp độ ảnh hưởng.
Đi liền với việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và tạo môi trường hoạt động thuận lợi thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm qua đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để mạnh sức cạnh tranh, ứng phó với các tình huống do căng thẳng thương mại, đang như một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, gây ra.