Nên giải thể những Quỹ tài chính nhà nước hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích
(Tài chính) Bộ Tài chính cho biết, trường hợp các quỹ tài chính nhà nước hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ hoặc hoạt động không hiệu quả thì trình cấp có thẩm quyền giải thể theo quy định của pháp luật.
Hiện cả nước có khoảng 40 Quỹ/loại Quỹ tài chính nhà nước được thành lập với mục đích, quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động khá đa dạng.
Nguồn vốn hoạt động của các Quỹ tài chính nhà nước, bao gồm: nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ gồm vốn điều lệ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động thường xuyên, hỗ trợ khác. Trong đó: một số Quỹ không được NSNN hỗ trợ (tự huy động, đảm bảo cân đối thu, chi tài chính quỹ); một số Quỹ chỉ được NSNN hỗ trợ vốn thành lập ban đầu (vốn điều lệ); một số Quỹ vừa được NSNN hỗ trợ vốn thành lập ban đầu, vừa được hỗ trợ kinh phí trong quá trình hoạt động; Nguồn vốn từ kết quả hoạt động của Quỹ; các khoản huy động, đóng góp, tài trợ của xã hội; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, các Quỹ tài chính nhà nước đều có quy định riêng về chế độ quản lý tài chính, kế toán. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã ban hành hoặc phối hợp với các Bộ có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán đối với các Quỹ tài chính nhà nước của Trung ương và một số Quỹ tài chính nhà nước địa phương để thực hiện chung. Đối với một số Quỹ địa phương, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan tài chính địa phương.
Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay chưa có tiêu chí quy định rõ loại hình hoạt động của Quỹ (có Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, Quỹ là đơn vị sự nghiệp,...) đa phần được quy định trong các văn bản cá biệt về thành lập Quỹ; đồng thời cơ chế tiền lương, phụ cấp, số lượng biên chế không rõ ràng, có Quỹ áp dụng cơ chế tiền lương theo doanh nghiệp nhà nước.
Vì vậy, để có giải pháp về quản lý các Quỹ (trong đó có Quỹ hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập), Bộ Nội vụ đưa ra giải pháp trước mắt là tập trung rà soát các Quỹ hiện hành, thực hiện giải thể hoặc sát nhập các Quỹ tài chính nhà nước trùng lặp về mục tiêu, Quỹ không huy động được các nguồn vốn ngoài ngân sách, chủ yếu hoạt động từ ngân sách nhà nước, nguồn thu và nhiệm vụ chi trùng lặp với nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Về giải pháp lâu dài, cần xây dựng các tiêu chí, điều kiện thành lập, giải thể cơ chế hoạt động của Quỹ đảm bảo nguyên tắc Quỹ phải tự bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vì chưa có tiêu chí quy định thế nào là Quỹ hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp nên việc thành lập, giải thể không áp dụng theo quy định tại Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012.
Trước đó, tại Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị giải pháp tăng cường quản lý các Quỹ tài chính nhà nước trong thời gian tới như:
Nghiên cứu ban hành khuôn khổ pháp lý chung về quản lý các Quỹ tài chính nhà nước: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Điều 24 đã quy định về việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước, trong đó đã quy định về yêu cầu, điều kiện thành lập Quỹ; nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ; quy định về công khai Quỹ,...
Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý đối với các Quỹ tài chính nhà nước, về lâu dài cần nghiên cứu ban hành khuôn khổ pháp lý chung (Luật hoặc Pháp lệnh) quy định rõ khái niệm Quỹ tài chính nhà nước, điều kiện thành lập, thẩm quyền cho phép thành lập, nguyên tắc về tổ chức, cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động, tổ chức kế toán, chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ báo cáo cũng như quan hệ tài chính giữa các Quỹ tài chính nhà nước với ngân sách nhà nước và giữa các Quỹ trong hệ thống tài chính nhà nước.
Trong thời gian chưa ban hành được khuôn khổ pháp lý chung, cần rà soát lại các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Khi trình Quốc hội ban hành các Luật quản lý chuyên ngành không kèm theo quy định về việc thành lập Quỹ tài chính nhà nước (trừ trường hợp thật sự cần thiết và Quỹ phải có khả năng tài chính độc lập, nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước).
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện rà soát các Quỹ hiện có được giao quản lý; trường hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ hoặc hoạt động không hiệu quả thì trình cấp có thẩm quyền giải thể theo quy định của pháp luật.../.