Nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ của thể chế trong việc phát triển trong giai đoạn tới
Vừa qua tại Hội nghị Đầu tư 2019 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2020 – 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?” nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn tới sẽ gặp khó khăn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cho dù Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn của khu vực và thế giới với 'điểm sáng' là mức tăng trưởng ổn định của nền kinh tế.
Tại hội nghị TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trường Viện Nguyên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng mục tiêu của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 tối thiểu trung bình 7,5%. Nguyên nhân Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng trong một khu vực năng động và gắn kết chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs). Bên cạnh đó, dân số trẻ, chi phí lao động tương đối cạnh tranh, thị trường nội địa mở rộng cùng tầng lớp trung lưu.
Đặc biệt, với chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1, chuyển hướng đầu tư cộng với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những cam kết ổn định, tiếp tục cải cách, hội nhập là những yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn với giới đầu tư..
9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam ghi nhận những con số tăng trưởng khả quan. GDP đạt 7.31%; lạm phát dưới 4%, dự trữ ngoại hối 72 tỷ đô la Mỹ. FDI khả quan với 29.854 dự án còn hiệu lực; 357.65 tỷ USD vốn đăng ký và 206 tỷ USD vốn thực hiện. Về xuất khẩu, trong khi nhiều nền kinh tế khác ghi nhận mức tăng trưởng âm, Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đạt mức thặng dư 7,15 tỷ USD nhờ trị giá xuất khẩu tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái...
Trong hành trình phát triển kinh tế tiếp tục vướng phải những rào cản nhất định, điển hình như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn rất khó để phát triển lớn hơn; những vấn đề về môi trường, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục đe dọa đến sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở rất mạnh với thế giới bởi Việt Nam có tới 17 FTAs đã và đang kí kết, bao gồm các FTAs chất lượng cao như CP TPP, EVFTA". Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có thể bị lạm dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba. Trong công tác quản lý xuất nhập khẩu Việt Nam đang phải "làm" rất mạnh câu chuyên gian lận xuất xứ.
Theo công bố của U.S News & World Report, Việt Nam từ hạng 23 năm 2018 đã lên hạng thứ 8 năm 2019 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Riêng tại châu Á, Việt Nam xếp thứ 4 chỉ sau Arab Saudi, Ấn Độ và Qutar.
Ông Nguyễn Hiếu - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt - cho rằng nền kinh tế phát ra dấu hiệu khả quan một phần lớn nhờ vào sự điều chỉnh các chỉ số của các nền kinh tế lớn. “Hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới đã giảm lãi suất xuống thấp nhất có thể. Từ đó đẩy các chỉ số của Việt Nam lên cao, tuy nhiên đây cũng có thể coi là dấu hiệu mơ hồ cho những rủi ro. Vì các nhà chính sách đã thực sự phải dùng đến những công cụ cuối cùng để đối phó với sự suy giảm.”
Và một vấn đề lớn nhất là Việt Nam phải làm sao ứng xử hài hòa giữa 3 yếu tố gồm ổn đinh phát triển kinh tế, xử lí bức xúc xã hội và cải cách bộ máy. "Các dự báo năm tới đều cho rằng mức tăng trưởng sẽ nằm trong khoảng 6,6 - 6,8%, Việt Nam vẫn có thể là điểm sáng chứ không phải suy thoái nhưng để đạt mức 7% vào năm 2020 là cực khó", TS. Võ Trí Thành cho hay.
Bà Stephanie Betant - Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp HSBC cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang cần những chính sách của nhà nước. Trái phiếu chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là từ các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.
Ngoài vốn việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn giúp nền kinh tế Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại các thị trường phát triển như Mỹ hay Anh. Chuyên gia nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tài chính lớn vào ngân hàng. Để đa dạng dòng vốn các doanh nghiệp có thể tìm đến các kênh huy động về trái phiếu và cổ phiếu.
Những chia sẻ của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và các định chế tài chính uy tín trong Hội nghị sẽ góp phần hiểu rõ xu thế, năng lực vận hành của nền kinh tế trong thời kỳ kinh tế trong một thập niên tới. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có định hướng tốt hơn trong quyết định chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận và góp phần xây dựng kinh tế quốc gia vững mạnh.