Nền kinh tế đột phá sau năm 2014
(Tài chính) Sự tăng trưởng kinh tế khá đồng đều ở các nền kinh tế lớn trên thế giới cuối năm 2013 đã tạo cơ sở cho dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn còn hiện hữu, nền kinh tế chỉ có thể đột phá sau năm 2014.
Kinh tế 2014 tăng trưởng cao hơn, song tiềm ẩn nhiều rủi ro
Năm 2014, kinh tế thế giới dự báo sẽ sáng sủa hơn và GDP của các quốc gia trên thế giới sẽ tăng khá. Bộ phận dự báo kinh tế EIU của Tạp chí The Economist (Anh) dự báo, GDP toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong năm 2014. Nếu dự báo chính xác thì đây sẽ là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011. Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, IMF cũng đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2014 là 3,6%.
Trong xu thế đó, tại Báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 của Liên hợp quốc công bố ngày 18/12/2013 đã đưa ra dự báo: “Kinh tế thế giới sẽ cải thiện trong 2 năm tới và đạt tốc độ tăng trưởng 3% trong năm 2014, tăng 3,3% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với mức 2,1% trong năm 2013”.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc cảnh báo rằng, hiện tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, có thể khiến đà tăng trưởng kinh tế thế giới đi chệch hướng. Đó là thị trường việc làm vẫn chưa ổn định, các luồng lưu thông vốn quốc tế đến các nền kinh tế mới nổi không ổn định, hệ thống ngân hàng còn yếu và thực lực kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) chưa ổn định, vấn đề giảm khối lượng gói kích thích QE3 của Mỹ tiềm ẩn rủi ro lớn…
Trong bối cảnh đó, năm 2014, kinh tế của Việt Nam có những tín hiệu khả quan hơn năm 2013: tăng trưởng GDP sẽ cao hơn chút ít so năm 2013. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định bức tranh kinh tế 2014 là sáng sủa, bởi còn nhiều khó khăn, thách thức và những khó khăn, thách thức đó đã kéo dài 3 năm qua chưa được xử lý.
Năm 2014, Chính phủ quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nên sẽ đưa vào nền kinh tế một lượng vốn đáng kể để phát triển. Giải pháp đột phá về thể chế kinh tế cũng sẽ tạo sự phát triển mới cho nền kinh tế bị chính các cơ chế đó “khống chế”. Bên cạnh đó, các giải pháp kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh thu hút vốn FDI, ODA… cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Tuy nhiên, trong năm 2014, nhiều khó khăn từ năm 2013 vẫn hiện hữu. Vấn đề nợ xấu của nền kinh tế chưa được xử lý và sẽ còn nặng nề hơn khi Thông tư 02/TT-NHNN về cách tính nợ xấu sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2014.
Vấn đề mô hình phát triển, tăng trưởng kinh tế vẫn là mô hình cũ đã vận hành suốt 30 năm qua, hiện không còn phát huy tác dụng. Đó là xuất khẩu tài nguyên, tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trong lúc thu ngân sách không đủ chi, nguồn vốn từ tư nhân và xã hội chưa có cơ chế thu hút hấp dẫn, năng suất lao động xã hội ngày càng thấp, khoa học - công nghệ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế ngày càng giảm; bộ máy và nhân sự cồng kềnh, kém hiệu lực, trình độ yếu vẫn như cũ; tư duy, quan điểm phát triển, phong cách làm việc, xử lý công tác, “tâm” và “tầm” như cũ; cách điều hành nền kinh tế chưa có gì thay đổi; cơ chế thị trường, tính cạnh tranh yếu vẫn đang là những “hòn đá tảng” cản trở mạnh phát triển kinh tế.
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 chỉ đạt 5,5 - 5,6%; lạm phát ở mức 7,5 - 8,5%; giải ngân vốn FDI cũng chỉ ở mức 11 - 12 tỷ USD; tốc độ tăng xuất khẩu ở mức 9 - 10%.
Như vậy, các chỉ số của năm 2014 không cao hơn nhiều so năm 2013.
Nếu muốn tăng trưởng cao hơn, thì vấn đề mấu chốt là phải có những giải pháp đột phá và thực hiện một cách quyết liệt.
Cần những giải pháp “đến nơi đến chốn”
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng và đang hồi phục mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam lại đang vật lộn với những khó khăn “mang tính hệ thống nội tại” là chính, thì các giải pháp mang tính tình huống sẽ không có tác dụng lớn, mà phải là giải pháp đột phá xoay chuyển tình thế, nhằm đưa kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng tăng trưởng chậm chạp hiện nay.
Đó là phải thay đổi tư duy để hình thành sớm thể chế kinh tế, mà trước hết là những cơ chế, chính sách đột phá cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều đó, phải thay đổi tư duy quản lý cũ, tư duy trên cơ sở phát triển của thời đại, của hội nhập toàn diện, của cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh.
Phải đồng thuận trong tư duy, quan điểm, hành động để các cơ chế, chính sách đột phá được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và đến nơi đến chốn, không nửa vời. Đây là điều kiên quyết. Có như vậy, sự phối hợp cộng tác giữa các quan chức, giữa các cơ quan nhà nước, giữa bộ và địa phương… mới đi vào thực chất và đưa các cơ chế, chính sách vào cuộc sống.
Nhanh chóng xây dựng và củng cố niềm tin sản xuất - kinh doanh và niềm tin của người dân. Muốn vậy, phải củng cố, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà mấu chốt là khẳng định cơ chế, chính sách ổn định trong thời gian dài để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn và có cơ sở để thiết kế chiến lược đầu tư. Thiết kế cơ chế, chính sách phải minh bạch, rõ ràng, tránh tình trạng chung chung.
Vấn đề xử lý nợ xấu và hạch toán nợ công phải được thực hiện thông qua một chiến lược, kế hoạch rõ ràng, mang tính tổng thể, đồng bộ. Các số liệu về nợ xấu, nợ công phải được thống kê đầy đủ để có cơ sở đánh giá.
Bộ máy công quyền phải được ưu tiên và kiên quyết củng cố. Chức năng, nhiệm vụ phải rõ ràng, tránh trùng lắp, phải có cơ quan chịu trách nhiệm chính. Cán bộ công chức phải tinh giản tối đa; các viện nghiên cứu, các cơ quan sự nghiệp phải được tách ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước. Tách hẳn sản xuất - kinh doanh ra khỏi quản lý nhà nước. Thiết lập lại vai trò của Nhà nước trong quản lý kinh tế.
Năm 2014 là năm rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Những khó khăn của nền kinh tế năm 2013 và năm nay cũng là động lực để tiến hành các cải cách cần thiết, như sắp xếp lại bộ máy công quyền, tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế và xử lý nợ xấu trên một quan điểm cải cách và thị trường.
Hy vọng kinh tế sẽ có đột phá sau năm 2014.