Nền kinh tế khốn khổ nhất thế giới có lạm phát 7 con số
Việc lạm phát được dự kiến sẽ đạt 8 triệu phần trăm trong năm nay - mức mà nhiều chuyên gia còn không tin vào mắt mình - đã khiến Venezuela trở thành nền kinh tế khốn khổ nhất thế giới.
Bloomberg vừa công bố bảng xếp hạng Chỉ số khốn khổ năm 2019 của 62 nền kinh tế. Chỉ số được tính bằng tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp của một quốc gia. Chỉ số so sánh ước tính trung bình của các nhà kinh tế dự báo về tỷ lệ dự báo cho từng quốc gia trong năm 2019 so với 2018. Dự báo được đưa ra ngày 11/4.
10 quốc gia có điểm số Misery Index cao nhất năm 2019. (Nguồn: Khảo sát của Bloomberg, dữ liệu của chính phủ, IMF) |
Kết quả, các quốc gia có điểm số Misery Index tệ nhất vẫn giữ nguyên như năm 2018; trong đó Venezuela tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số khốn khổ năm thứ 5 liên tiếp. Xếp sau Venezuela tiếp tục là những cái tên: Argentina, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Ukraine - đều giữ nguyên thứ hạng như năm ngoái, do những căng thẳng về kinh tế và các nước này chỉ đạt được những tiến bộ rất nhỏ trong việc kiềm chế tốc độ tăng giá cũng như tạo việc làm cho người lao động.
Trong khi đó, với việc tăng 17 điểm, Nga tiến đến vị trí thứ 17 trong số các nền kinh tế khốn khổ nhất, do các dự báo về mức giá cao hơn và sự trì trệ trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp. Một đợt tăng lạm phát hồi tháng trước đã làm phức tạp thêm kế hoạch nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng của NHTW Nga.
Trong khi ở phía đối diện, Thái Lan một lần nữa đăng quang danh hiệu nền kinh tế ít khốn khổ nhất thế giới với 2,1 điểm. Trong khi Thụy Sỹ đã vượt lên vị trí thứ hai trong số các nền kinh tế ít khốn khổ nhất với 3,1 điểm; đẩy Singapore tụt xuống vị trí thứ 3, cùng thứ hạng với Nhật Bản (3,3 điểm). Mỹ cũng tăng 6 bậc lên vị trí thứ 13 trong số các nền kinh tế ít khốn khổ nhất; trong khi Anh cải thiện 4 bậc lên vị trí 16.
Venezuela và một số ít quốc gia khác đang nằm trong khu vực khốn khổ nhất đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát phi mã và thất nghiệp tăng cao trong nước. Trong khi tại hầu hết các quốc gia khác, các nhà hoạch định chính sách năm nay đang phải đối mặt với một thách thức rất khác: Đó là sự kết hợp giữa lạm phát yếu ớt và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn đang làm phức tạp thêm các dự báo về triển vọng kinh tế cũng như việc đưa ra các chính sách kinh tế phù hợp.
Chỉ số khốn khổ của Bloomberg dựa trên khái niệm lâu đời rằng lạm phát và thất nghiệp thấp thường cho thấy mức độ tốt của một nền kinh tế mà cư dân ở các nền kinh tế này cảm nhận. Tuy nhiên đôi khi cũng xảy ra trường hợp một điểm số thấp có thể gây hiểu nhầm trong cả hai yếu tố: Giá thấp liên tục có thể là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nội địa đang rất yếu; còn thất nghiệp quá thấp cũng có thể do người lao động ngại hoặc không muốn chuyển sang công việc khác tốt hơn.
Đơn cử như Nhật Bản, vị trí thứ 3 trong số các nền kinh tế ít khốn khổ nhất của Nhật cho thấy nhu cầu nội địa đang rất yếu và gã khổng lồ châu Á đang gặp khó khăn trong việc chống lại các cơn gió ngược từ thương mại toàn cầu và vấn đề nhân khẩu học.
Một điều đáng chú ý nữa là điểm số năm nay dựa trên các khảo sát kinh tế của Bloomberg, trong khi các năm trước phản ánh dữ liệu thực tế. Trên thực tế, Chính phủ Venezuela đã không công bố dữ liệu kinh tế từ năm 2016. Hiện đang có sự khác biệt đáng kể giữa ước tính của các nhà phân tích so với Chỉ số Cafe Con Leche Index của Bloomberg với ước tính tỷ lệ lạm phát hiện tại của Venezuela chỉ là 219.900%.
Xu hướng tăng giá trong chỉ số khốn khổ đã có sự thay đổi so với cuối năm ngoái khi lo ngại lạm phát leo thang làm tăng điểm số của nhiều quốc gia. Các nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg dự báo gần một nửa trong số 62 nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát năm nay thấp hơn so với năm 2018, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của đa số các nền kinh tế được dự báo sẽ giảm.
Sự thay đổi nhanh chóng về triển vọng lạm phát so với năm 2018 đang làm thay đổi quan điểm của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. Nếu như năm ngoái, các thị trường mới nổi đã phải vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh đồng đôla Mỹ mạnh hơn nhấn chìm đồng nội tệ và đẩy lạm phát tăng cao, thì năm nay đang chứng kiến sự thay đổi quan điểm theo hướng ôn hòa hơn do tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát yếu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế là một trong số các tổ chức đã liên tục hạ cấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.