Nền kinh tế Trung Quốc cố thoát khỏi suy thoái sau đại dịch Covid-19
Nền kinh tế Trung Quốc đang cố gắng thoát khỏi tình trạng suy thoái tuột dốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang chiến đấu ngăn chặn đại dịch vi rút corona thì quá trình phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc khó có thể nhanh được.
Xuất nhập khẩu đều giảm do nhu cầu chưa hồi phục
Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tháng trước đã giảm 3,3% so với một năm trước tính theo đồng USD. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng suy thoái là do nhu cầu của nước ngoài giảm đi. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa trở lại từ vài tháng trước nhưng nhiều cường quốc toàn cầu khác thì chỉ mới bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa trong vài tuần qua.
Đối với kinh tế trong nước của Trung Quốc, quá trình phục hồi cũng không hoàn toàn suôn sẻ. Nhập khẩu tháng trước đã giảm 16,7% tính theo đồng USD với một năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 1/2016, cho thấy tình hình tiêu dùng trong nước vẫn chưa khởi sắc.
Trung Quốc với nền kinh tế đã chậm lại ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, hiện cũng đang phải tiếp tục nỗ lực thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng. Tháng trước, Trung Quốc đã đưa ra lời hứa rằng sẽ rót 3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (500 tỷ USD) cho hỗ trợ nền kinh tế đất nước trong năm nay để cắt giảm thuế, đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng và các biện pháp kích thích khác để góp phần vào nỗ lực tạo ra 9 triệu việc làm và giảm bớt khủng hoảng do đại dịch.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu của phục hồi đã xuất hiện. Theo dữ liệu công bố hôm thứ Hai của Hiệp hội xe khách Trung Quốc, sau 11 tháng đình trệ, doanh số bán xe ô tô chở khách đã tăng lần đầu tiên vào tháng 5. 1,6 triệu xe khách được bán ra vào tháng trước, tăng 1,8% so với một năm trước.
Vẫn còn khó khăn bủa vây
Tuy nhiên, thương mại hiện vẫn là một điểm nhạy cảm đối với Trung Quốc bởi tình hình căng thẳng không ngừng leo thang trong quan hệ Trung-Mỹ. Việc Trung-Mỹ không ngừng chỉ trích, đổ lỗi lẫn nhau về đại dịch Covid-19 đã gây kích động thêm mối quan hệ giữa các siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới, đe dọa đến thỏa thuận thương mại mong manh giữa hai nước.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại Capital Economics dự đoán rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu trong một khoảng thời gian ngắn nữa, sau đó sẽ ổn định vào cuối năm nay. Họ hy vọng sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu "sẽ chạm đáy trong quý này", đồng thời cũng kỳ vọng rằng các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ "thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong nhập khẩu”.