Nên quy định "cứng" thời gian nộp tiền đấu giá quyền sử dụng đất trong Luật Đấu giá tài sản
Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu cho rằng, nên quy định "cứng" thời gian nộp tiền đấu giá quyền sử dụng đất trong Luật Đấu giá tài sản.
Sáng 9/8/2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp, ông Mai Lương Khôi – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, việc thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã đạt được nhiều két quả quan trọng. Đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với số lượng hơn 1.200 đấu giá viên và gần 600 tổ chức đấu giá tài sản. Trình tự, thủ tục đấu giá thống nhất, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản. Tài sản đấu giá ngày càng mở rộng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị bán cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn.
Tuy nhiên, 5 năm triển khai Luật Đấu giá tài sản, bên cạnh một số kết quả nêu trên, Luật Đấu giá tài sản cũng bộc lộc nhiều điểm cần sửa đổi, hoàn thiện. Điển hình như một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa phù hợp với thực tiễn; Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn khó khăn; Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp, cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc...
Vì thế, việc sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết, góp phần bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra thống nhất quan điểm xây dựng dự án Luật theo hướng:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hoá quan điểm chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về trình tự thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của một số loại tài sản cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp với Luật Đấu giá tài sản; Tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu gía tài sản hiện nay.
Thứ ba, bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản, phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản giữa Nhà nước với tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản theo lộ trình phù hợp.
Tại phiên họp này, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều khoản quy định cụ thể về thời gian nộp tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, quy định thời gian tối đa người đấu giá phải nộp tiền và nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hành chính thì huỷ kết quả đấu giá; đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Đối với tài sản đấu giá có điều kiện như quyền sử dụng đất hay khai thác khoáng sản, trước khi đưa ra đấu giá cần quy định phương án thực hiện tham gia đấu giá của các tổ chức cá nhân...
Liên quan đến thời gian nộp tiền đấu giá quyền sử dụng đất, đang quy định thời hạn là 120 ngày mới được huỷ kết quả trúng đấu giá, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian này quá dài, vì vậy nên quy định cứng thời gian nộp tiền đấu giá quyền sử dụng đất trong Luật Đấu giá tài sản. Trường hợp không trúng đấu giá thì huỷ ngay vì thực tế có hiện tượng khi trúng đấu giá rồi, thời gian nộp tiền rất dài nên việc đấu giá không đạt kết quả như mong đợi.
Một số đại biểu đề nghị giải trình rõ lý do đưa hàng hoá dự trữ quốc gia ra khỏi danh mục đấu giá. Theo ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách, theo Điều 44, Luật Dự trữ quốc gia, thì phương thức bán hàng dự trữ quốc gia là qua bán đấu giá, bán chỉ định và bán trực tiếp, rộng rãi cho mọi đối tượng. Cùng với đó, tại khoản 1 Điều 45, Luật Dự trữ quốc gia chỉ rõ, bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá. Nếu dự thảo luật đưa hàng dự trữ quốc gia khỏi danh mục đấu giá sẽ tạo khoảng trống pháp lý giữa 2 luật.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, xây dựng Báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.