Nét mới trong bức tranh xuất nhập khẩu
(Tài chính) Xuất khẩu (XK) tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013, nhiều ngành hàng có đơn hàng ổn định, đặc biệt là khối doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước đã có sự “bứt phá”... là những tín hiệu tích cực trong bức tranh xuất nhập khẩu (XNK) đầu năm 2014.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch XK tháng 2 ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng 1 và tăng 33,2% so với tháng 2/2013. Tính chung 2 tháng, kim ngạch XK ước đạt hơn 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Nếu như 2 nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản và nhóm nhiên liệu, khoáng sản có kim ngạch XK giảm tương ứng là 0,3% và 19,5%, thì nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn tiếp tục duy trì đà tăng với 16,8%.
Điểm nổi bật trong bức tranh XK là khối DN có 100% vốn trong nước đã có tín hiệu “bứt phá”. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, khu vực DN FDI dù có quy mô cao hơn khối DN 100% vốn trong nước (13,9 tỷ USD so với 7,2 tỷ USD) nhưng trong 2 tháng qua, tốc độ tăng kim ngạch XK của khối DN 100% vốn trong nước đã cao hơn khu vực FDI (tăng 13,2% so với tăng 11,8%). Đây là kết quả tích cực, thể hiện sự cố gắng của khối DN trong nước trong việc tranh thủ giai đoạn đất nước mở cửa sâu, rộng hơn để đẩy mạnh sản xuất và XK.
Chia sẻ thêm về những tín hiệu tích cực, ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, 2 tháng đầu năm các DN trên địa bàn tỉnh đã XK được 2,1 tỷ USD tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó dệt may, giày dép và gỗ là những mặt hàng có kim ngạch tăng cao nhất. “Nhiều DN 100% vốn trong nước đã có đơn hàng đến hết năm 2014 và hơn thế, giá trị lô hàng cũng tốt hơn so với năm trước”, ông Hữu nói.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) trong 2 tháng ước đạt 20,82 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch NK của DN trong nước đạt 9,06 tỷ USD, tăng 16,8%, DN FDI đạt 11,76 tỷ USD tăng 17,1% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) nhìn nhận, kim ngạch nhóm hàng cần NK phục vụ sản xuất tăng 16,5% so với cùng kỳ, trong khi các mặt hàng tiêu dùng hạn chế NK được quản lý tốt, mức tăng NK 2 nhóm hàng này đều thấp hơn mức tăng chung tổng kim ngạch NK cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Bởi thế, 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã có xuất siêu với con số 244 triệu USD, bằng 1,2% tổng kim ngạch XK.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Từ những tín hiệu trên, có thể dự đoán về khả năng vượt kế hoạch XK trong cả năm. Theo đó, năm 2014 có thể là năm thứ 3 liên tiếp vượt chỉ tiêu kế hoạch cả về tốc độ tăng kim ngạch XK (tăng 10%) và nhập siêu (8% so với XK), thậm chí năm nay còn có thể xuất siêu. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại khi tháng 1 xuất siêu khá cao (1,44 tỷ USD) nhưng nhập siêu tháng 2 cũng rất lớn (1,2 tỷ USD). Điều này cho thấy, việc cải thiện cán cân thương mại chưa vững chắc. Hơn nữa, nhập siêu ở một số thị trường vẫn còn ở mức cao, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore…
Do vậy, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ DN, nông dân tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, giám sát các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; kiểm soát giá đối với những mặt hàng thiết yếu... Kèm theo đó, thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh XK, kiểm soát nhập siêu như: Đẩy mạnh thực hiện quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo theo hướng khuyến khích liên kết giữa người sản xuất và thương nhân XK; đa dạng hóa thị trường ngoài nước, khai thác hiệu quả các thị trường có Hiệp định thương mại tự do; ưu tiên xúc tiến thương mại, xúc tiến XK cho các mặt hàng XK chủ lực (gạo, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn quả...) vào các thị trường XK trọng điểm.