Nếu CPI tăng cao sẽ hoãn điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm nay

Theo Thuỳ Giang (Vietnam+)

Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Theo lộ trình của Bộ Y tế, năm 2019 còn 2 bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, là điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở mới 1.490.000 đồng và bước hai là tính chi phí quản lý.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội.

Thông tin trên được ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết tại buổi cung cấp thông tin về các nội dung: 5 năm thực hiện đổi mới phong cách thái độ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; bệnh viện xanh-sạch-đẹp; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính-bảo hiểm y tế, do Bộ Y tế tổ chức chiều 4/6 tại Hà Nội.

Xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu

Ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh, Bộ Y tế xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

‘‘Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương (theo mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng). Theo lộ trình năm nayp còn 2 bước điều chỉnh, gồm: điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng và tính chi phí quản lý.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh sẽ phải căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội, nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ điều hành giá để xem xét, điều chỉnh trong năm 2020. Như vậy, giá bao gồm cả chi phí khấu hao sẽ thực hiện vào 2021," ông Liên phân tích.

Về việc quy định các mức giá khám chữa bệnh, ông Liên cũng chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Theo đó, Thông tư sẽ quy định phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư. Thủ trưởng đơn vị y tế có tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Đối với các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, Thủ trưởng đơn vị được quyết định mức thu nhưng không vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành.

66.000 cuộc gọi đường dây nóng

Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong năm 2018, Bộ đã phối hợp kiểm tra, đánh giá sự hài lòng người bệnh tại 53 bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện thuộc trường và bệnh viện tuyến tỉnh. Tỷ lệ hài lòng người bệnh đạt 83%.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, két quả khảo sát sự hài lòng người bệnh qua điện thoại tại 60 bệnh viện trong 23 tỉnh, thành phố cho thấy, mức hài lòng của người bệnh đạt gần 81%, tăng so với năm 2017.

Đặc biệt, về tiêu chí bệnh viện xanh-sạch-đẹp đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Có 95% bệnh viện đạt xanh-sạch-đẹp ở mức tốt và khá, không có loại kém. Nhà vệ sinh bệnh viện - yếu tố luôn bị người bệnh phàn nàn nhiều nhất, đã được cải thiện, năm 2018 tăng 3% so với năm 2017.

Trong 3 năm 2016-2018, kết quả thực hiện đường dây nóng cho thấy, trong năm 2018, có tới gần 66.000 cuộc gọi đường dây nóng, trong đó có gần 12.500 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi, chiếm gần 20%. Theo đó, cơ sở vật chất, quy trình chuyên môn tiếp tục là những nội dung “bị” phản ánh nhiều nhất, chiếm tới 71% nội dung; 16% cuộc gọi phản ánh thái độ của nhân viên y tế, tương đương với 2 năm trước đó.

Để có được kết quả của sự hài lòng người bệnh như vừa công bố là một quá trình thực hiện tổng hợp rất nhiều giải pháp. Bộ Y tế đã ban hành 7 Thông tư: Thông tư về đổi mới, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, đơn giản và giảm thời gian chờ đợi; Thông tư về trang phục của các nhân viên y tế khác nhau trong bệnh viện; Thông tư về đường dây nóng; Thông tư về hòm thư góp ý; Thông tư về phòng Công tác xã hội để hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh khi họ gặp khó khăn trong lúc đến bệnh viện thăm khám, điều trị; Thông tư về ứng xử, khen thưởng và kỷ luật cán bộ y tế.

Đặc biệt, Thông tư về đổi mới tài chính là tính đến những chi phí trực tiếp, trong đó có chi phí tiền lương tính vào giá dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế chi trả cho những bệnh nhân có bảo hiểm y tế.

Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho hay, để việc đổi mới phong cách thái độ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, bệnh viện xanh-sạch-đẹp cao hơn nữa, Bộ Y tế sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đột xuất tại các bệnh viện để kiểm tra thực tế công tác này nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh.