Nếu FED tăng lãi suất
(Tài chính) Kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 18/3/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiến thêm một bước gần hơn tới việc tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006. Các chuyên gia nhận định, các nước châu Á cần có sự chuẩn bị tốt khi FED tăng lãi suất.
Khi nào Fed tăng lãi suất?
Trong thông điệp mà Fed mới đưa ra, có thể nhận định rằng Fed sẽ tăng lãi suất, song thể chế tài chính này muốn chắc chắn rằng thị trường lao động trong nước tiếp tục được cải thiện hơn nữa và tỷ lệ lạm phát phải nằm trong ngưỡng mục tiêu 2%.
Fed cần nhiều thời gian hơn để đánh giá tình hình kinh tế Mỹ, nhằm chắc chắn sẽ không xảy ra những xáo động mạnh khi tăng lãi suất. Việc Fed duy trì sự thận trọng là điều dễ hiểu bởi kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu hơn dự đoán trong 3 tháng đầu năm 2015.
Hoạt động sản xuất của Mỹ chững lại trong tháng 2 vừa qua. Bộ Thương mại cho biết, chi tiêu xây dựng cũng giảm 1,1% trong tháng 1, cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ không đáng kể ngay trong quý đầu tiên của năm 2015. Morgan Stanley đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý đầu tiên còn 2%, trong khi cơ quan dự báo Macroeconomic Advisers hạ mức dự báo của họ xuống còn 2,1% từ 2,3%.
Trước các số liệu kinh tế không khả quan, Fed đang rất thận trọng. Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá, việc nâng lãi suất có thể được FED thực hiện vào tháng 9/2015, hơn là vào tháng 6/2015.
Châu Á cần chuẩn bị tốtMới đây, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde trong cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) Raghuram Rajan đã nhấn mạnh các thị trường đang nổi cần chuẩn bị đối phó với tác động của việc Mỹ tăng lãi suất.
Theo Tổng Giám đốc IMF, tiến trình tăng lãi suất của Fed đã được chuẩn bị kỹ nhưng sự tổn thương đối với các thị trường tài chính có thể làm tăng nguy cơ bất ổn. Vì vậy, các nền kinh tế đang nổi, nơi tập trung khoảng 4,5 nghìn tỷ USD đầu tư của nước ngoài và chiếm khoảng 1/2 dòng vốn toàn cầu, cần chuẩn bị ứng phó với những biến động. "Hệ luỵ" lớn nhất từ chính này này của FED nếu chính thức được ban hành sẽ là vốn sẽ rời khỏi các thị trường mới nổi để quay về đầu tư ở thị trường Mỹ khi lợi suất lên cao.
"Tại châu Á, Indonesia là nền kinh tế chịu tổn thương nhất nếu dòng vốn tháo chạy, do vốn nước ngoài đang ồ ạt chảy vào đây", Jason Daw - chiến lược gia các thị trường mới nổi tại Societe Generale nhận định.
Lãi suất thấp cũng có thể khiến các tiền tệ châu Á khác gặp rủi ro, điển hình là đôla Đài Loan, giới phân tích cảnh báo. "Đôla Đài Loan vẫn dễ tổn thương trước tình trạng dòng vốn ròng chảy khỏi đây và mức lãi suất kém hấp dẫn", Societe Generale nhận định.
Lãi suất trái phiếu 10 năm của Đài Loan đang là 1,628%, thấp hơn nhiều so với 2,115% của Mỹ. Năm ngoái, đôla Đài Loan mất giá gần 6% so với USD, nhưng năm nay đã tăng 0,7%.
Ông Daniel Martin, chuyên gia khối thị trường mới nổi tại Capital Economics, lại nhận định, Singapore và Hồng Kông đặc biệt dễ bị tổn thương trước những động thái của FED vì lãi suất nội địa của hai nền kinh tế này gắn liền với ngân hàng trung ương Mỹ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ một phần bị sức ép về vấn đề tỷ giá, tuy nhiên không quá lớn trong trường hợp Việt Nam nằm ngoài từ trường ảnh hưởng của làn sóng rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi.