Nếu ngân hàng ốm yếu, tại sao cổ phiếu vẫn lên đều?
(Tài chính) Việt Nam là chủ đề của chương trình Cash Flow trên CNBC cuối tháng 2, trong đó diễn biến thị trường chứng khoán và câu chuyện nợ xấu ngân hàng được tập trung phân tích.
Từ đầu năm đến nay, hàn thử biểu của thị trường chứng khoán Việt Nam - VN-Index tăng 17%, riêng tháng 2 tăng 6%. Trong khi đó theo một báo cáo của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, tình hình hệ thống ngân hàng vẫn có vẻ đáng lo, ít nhất 15% tổng tín dụng của các ngân hàng có vẻ đang gặp vấn đề, nhiều hơn tỷ lệ nợ xấu 4,7% mà Ngân hàng Nhà nước công bố hồi tháng 10 năm ngoái.
"Chúng tôi không cho rằng việc cổ phần hóa các ngân hàng Việt Nam sẽ có tiến triển đáng kể trong 12 đến 18 tháng tới", Moody's nói. Tổ chức đánh giá này cũng nhận xét rằng Chính phủ Việt Nam đã có một số bước đi trong việc tái cấu trúc ngân hàng, nhưng các nhà làm luật vẫn chưa áp dụng các chính sách "quyết liệt" để xây dựng tính minh bạch tốt hơn.
Ở Việt Nam, "nếu Chính phủ muốn hỗ trợ, vẫn còn nhiều cách. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Chính phủ có muốn dùng tài chính công để hỗ trợ hệ thống ngân hàng và cho đến nay mọi việc diễn ra theo hướng không phải như vậy", Art Woo, một chuyên gia phân tích từ Fitch Ratings nói với CNBC.
Nhưng nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam đang lảo đảo, tại sao nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào thị trường chứng khoán? Câu hỏi này được các chuyên gia tập trung phân tích trong chương trình truyền hình nổi tiếng Cash Flow tuần cuối tháng 2 của CNBC.
So sánh với các ngân hàng ở Trung Quốc, số liệu mới cho thấy tỷ lệ nợ xấu đã lên 1% trong 3 tháng cuối năm 2013. Tuy nhiên, không giống như ở Việt Nam, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại trong xu hướng đi xuống trong năm qua, chủ yếu vì nỗi lo về hệ thống ngân hàng.
Câu trả lời là không phải tất cả nhà đầu tư đều tin vào viễn cảnh xấu của thị trường ngân hàng của Việt Nam như trong báo cáo của Moody's.
"Ngành ngân hàng đang cải thiện", ông Kevin Snowball, CEO của Quỹ Đầu tư PXP Vietnam Asset Management nói.
Theo ông, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Việt Nam ở dưới mức 10%. "Chúng tôi cho rằng ngân hàng Việt đang trên đà cải thiện. Một phần nợ xấu nằm trong bất động sản, mà lĩnh vực này đang bắt đầu ấm lại', ông nói thêm.
Năm 2007, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu bong bóng mà kéo theo đó là lạm phát tăng hai chữ số, lãi suất cho vay vượt trên 12% và Việt Nam nhiều lần phải phá giá tiền đồng.
Tín dụng bất động sản sau đó đã bị siết lại. Tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu cũng như giá nhân công cũng đắt đỏ hơn. Nhiều dự án bị ngừng triển khai và thị trường rơi vào trạng thái tê liệt nhiều tháng trời.
Giờ đây, theo Snowball, thị trường bất động sản đang có nhiều cơ hội sốc lại. Ông hy vọng Chính phủ sẽ sớm nới lỏng quyền sở hữu cho khối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận cổ phiếu tốt.
"Tiến trình cổ phần hoá đang được đảy mạnh, vì vậy chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội hơn để tham gia thị trường. Một khi tỷ lệ sở hữu được nới, thị trường sẽ hấp dẫn hơn", ông nói.
Năm ngoái, trong một động thái nhằm kích thích thị trường chứng khoán, Việt Nam đã nới biên độ giao dịch tại sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh từ 5% lên 7%, và tiết lộ rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm được tiếp cận dần vào một số lĩnh vực như tiêu dùng hay môi giới chứng khoán, theo thông tin từ hãng tư vấn đầu tư GaveKal Research.