Nga tăng lãi suất sau khi bị hạ tín nhiệm

Theo gafin.vn

(Tài chính) Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất vài giờ sau khi bị S&P hạ xếp hạng tín nhiệm xuống mức thấp nhất là BBB-.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cả hai động thái này đều là cái giá mà Nga phải cho mâu thuẫn với phương Tây về khủng hoảng tại Ukraine.

Nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 mặc dù cho đến hiện tại, Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn chưa áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào có ảnh hưởng sâu rộng như lời cảnh báo.

Dòng vốn chảy ra tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 đã biến Nga trở thành một nền kinh tế "đói khát" đầu tư trong khi đồng tiền quốc gia là rúp giảm thấp, lạm phát tăng cao. Nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Nga sẽ giảm xuống 0 trong năm 2014.

Ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất để bảo vệ rúp khi tình hình căng thẳng bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường vào đầu tháng 3. Ngân hàng cho biết việc tăng lãi suất 1,5 điểm % chỉ là tạm thời nhưng áp lực lên rúp cũng chỉ giảm nhẹ.

l


Tuy nhiên, ngày 25/4, Ngân hàng Nga đã tiếp tục tăng lãi suất cho vay lên 7,5%, cho rằng, lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn vì sự suy yếu của rúp đã đẩy giá nhập khẩu tăng lên. Ngân hàng trung ương cho biết không có ý định hạ lãi suất trong những tháng tới.

Viktor Szabo, quản lý danh mục đầu tư tại quỹ tài sản Aberdeen, nhận định, tác động của địa chính trị là nguyên nhân chính khiến S&P hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga. Rõ ràng là các biện pháp trừng phạt đã đạt được mục đích chính và quan trọng là tăng dòng vốn rút khỏi Nga lên mức cao nhất.

Số liệu của ngân hàng trung ương cho biết trong quý I/2014, dòng vốn rút khỏi Nga đã lên đến 51 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008.

Rúp, vốn đã giảm hơn 10% so với USD tính đến thời điểm hiện tại, đã tăng nhẹ sau khi lãi suất tăng lên 7,5% nhưng sau đó lại giảm xuống ngay khi ngân hàng trung ương thông báo chương trình cho vay mới đối với các ngân hàng thương mại nhằm gây vốn cho các dự án đầu tư. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, hành động này sẽ gây ra lạm phát.

Chỉ số chứng khoán Micex đã giảm 1,6%. Tính từ thời điểm khởi đầu của căng thẳng tại Ukraine, thị trường chứng khoán của Nga đã phải chịu mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Thậm chí, trước đó, nền kinh tế Nga cũng đã rơi vào suy thoái trầm trọng. Hoạt động đầu tư bị ngưng trệ do môi trường kinh doanh nảy sinh nhiều khó khăn, thu nhập của người tiêu dùng cũng giảm xuống.