Nga, Trung Quốc chạy đua giành thị phần tại Iran

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tehran và các tập đoàn châu Âu, Mỹ đều đang chuẩn bị cho triển vọng nền kinh tế của Iran khởi sắc, sau khi các lệnh cấm vận của phương Tây lên Iran được dỡ bỏ, nếu các bên đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Không nằm ngoài xu thế chung, Nga và Trung Quốc cũng có những bước đi nhằm giành miếng bánh ngon về mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mặc dù hồ sơ hạt nhân Iran chưa khép lại, nhưng thỏa thuận khung được ký kết giữa Teheran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) tại Lausanne, Thụy Sĩ mang nhiều hứa hẹn. Chính quyền Tehran hy vọng sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng từ 7 - 8%, sau khi hội nhập trở lại các hoạt động kinh tế thế giới. Thỏa thuận khung là tiền đề cho Iran đẩy mạnh xuất khẩu dầu khí, thu hút đầu tư nước ngoài. Iran kỳ vọng, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều với Liên minh châu Âu (EU) trong ba năm nữa sẽ tăng gấp năm lần so với mức 7,6 tỷ euro hiện tại. Ngoài ra, Iran dự định sẽ hiện đại hóa guồng máy công nghiệp lỗi thời từ hơn 30 năm qua.

Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Turquoise Partners, ngành công nghiệp Iran hiện chỉ hoạt động ở mức 60 - 70%. Phần còn lại phải tạm dừng do tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran mà Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt. Do bị quốc tế cấm vận, đồng tiền của Iran từ năm 2011 đã bị mất giá đến gần 80%, tỷ lệ lạm phát trong hai năm vừa qua tăng từ 35 - 50%, khiến đời sống của người dân chật vật, 30% dân số trong tuổi lao động không có việc làm. Thêm vào đó, gần 9 tháng qua, dầu mỏ mất giá đến 50%, gây khó khăn chồng chất cho kinh tế Iran, do vàng đen đóng góp tới 60% thu nhập của quốc gia này.

Nếu kinh tế Iran khởi sắc, lợi ích của phương Tây cũng không phải là ít. Nhiều tập đoàn Âu - Mỹ đã sẵn sàng đầu tư vào thị trường hơn 80 triệu dân này. Trong con mắt của các nhà đầu tư, một khi Iran không còn bị cô lập, nước này sẽ mở rộng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực, vốn do một vài quốc gia dầu hỏa trong vùng kiểm soát. Chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan tư vấn Betamatrix của Anh Mehrmad Emadi cho rằng, dầu mỏ và công nghệ xe hơi sẽ là hai lĩnh vực được đặc biệt quan tâm.

Iran hiện có nguồn dự trữ dầu lửa lớn thứ tư thế giới và có sản lượng xuất khẩu dầu đứng thứ nhì trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) sau Ảrập Xêút. Iran có thể xuất khẩu tối đa từ 4-5 triệu thùng dầu một ngày, như do các lệnh trừng phạt hiện hành, nên hiện nước này giới hạn xuất khẩu ở mức 1 triệu thùng/ngày. Nếu các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, dầu mỏ của nước này sẽ tràn ngập thị trường. Bên cạnh đó, Iran còn kỳ vọng sẽ xuất khẩu thêm các nguồn tài nguyên khác như nhôm, sắt, thép, đồng…

Trong lĩnh vực xe hơi, Pháp và Mỹ đang chạy đua tranh giành thị trường béo bở ở Iran. Tới nay, chưa đầy 10% các hộ gia đình Iran sở hữu xe hơi. Chủ tịch tập đoàn PSA Peugeot Citroen Carlos Tavares tuyên bố, sẵn sàng sang Iran để đẩy mạnh dự án hợp tác với đối tác truyền thống là Iran Khodro. Trước khi Tehran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran, ở hậu trường đã có một sự giàn xếp giữa các tập đoàn xe hơi của Âu - Mỹ với các đối tác Iran. Trên nguyên tắc, lợi thế đang nghiêng về phía hai nhà sản xuất Pháp là Renault và Peugeot. Cả hai đang kiểm soát đến gần 40% thị trường với 1,6 triệu xe của Iran.

Trước xu thế chung nhằm giành thị phần tại Iran, Nga và Trung Quốc cũng có những bước đi của riêng mình. Chuyên gia nghiên cứu Iran Radzhab Safarov cho rằng, sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran là một bước đi kịp thời, trong bối cảnh triển vọng Iran và nhóm 6 nước có thể tiến tới thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân vào cuối tháng 6 tới là rất cao. Khi đó, mặc nhiên các lệnh trừng phạt sẽ phải được gỡ bỏ để đổi lại các cam kết của Iran. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường vũ khí vốn khát khí tài suốt thập niên qua của Iran sẽ là nơi cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp vũ khí lớn của phương Tây và Nga. Động thái đón đầu của ông Putin có ý nghĩa vừa giúp củng cố quan hệ Moscow – Tehran, vừa mở ra những hợp đồng cung cấp vũ khí hàng chục tỷ USD cho tổ hợp sản xuất thiết bị quân sự của Nga. Bên cạnh đó, Nga bắt đầu cung cấp lương thực, trang thiết bị và vật liệu xây dựng cho Iran, nhằm đổi lấy dầu thô theo một thỏa thuận trao đổi hàng hóa. Tehran là đối tác mua lúa mỳ lớn thứ 3 của Nga và hai nước cũng thảo luận về thỏa thuận trao đổi này trong hơn một năm qua. Đây là những tín hiệu cho thấy, Moscow có thể dẫn đầu trong cuộc chạy đua tranh giành lợi ích từ việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Tuy chưa có bước đi cụ thể nhưng Trung Quốc cũng đã phát đi các tín hiệu của mình. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết, sẽ hợp tác với Bắc Kinh trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Cụ thể, Tehran có kế hoạch sản xuất ít nhất 190.000SWUs nhiên liệu hạt nhân ở quy mô công nghiệp, Iran còn tính tới công suất 1 triệu SWUs nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho 5 nhà máy điện như Bushehr. Đây là lý do để Iran ký kết thỏa thuận với Nga về việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, trong khi Trung Quốc cũng sẽ sớm nhảy vào lĩnh vực này. Trong lĩnh vực dầu khí, các tập đoàn dầu mỏ của Trung Quốc tiếp tục hoạt động tại Iran sau khi các nước phương Tây rút đi, dưới hiệu lực của các lệnh trừng phạt hồi năm 2008. Một khi các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, các hãng của Bắc Kinh sẽ không phải chật vật trong thiết lập hạ tầng nữa.