Hải quan Đồng Nai:
Ngăn chặn nhiều vụ vi phạm về gia công, sản xuất xuất khẩu
Qua công tác kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Đồng Nai đã phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) gia công, sản xuất xuất khẩu khai tăng định mức, hoặc khai báo sai số liệu thực tế so với số liệu trên sổ sách nhằm giảm số thuế phải nộp.
Theo quy định đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, các DN tự khai báo, đăng ký và chịu trách nhiệm về định mức tiêu hao nguyên phụ liệu với cơ quan Hải quan. Khi đăng ký hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan, DN tự khai báo về định mức và chịu trách nhiệm về nội dung khai báo của mình. Tuy nhiên, một số DN đã lợi dụng sự thông thoáng của chính sách này để có các hành vi gian lận.
Các vi phạm của DN được thực hiện khá tinh vi, hầu hết chỉ bị phát hiện ở khâu sau thông quan. Trong đó, các vi phạm phổ biến là khai định mức cao hơn so với thực tế sản xuất để gian lận thương mại; khai báo cân đối định mức thông qua tỷ lệ hao hụt, khai báo gian lận định mức thông qua việc kê khai kích cỡ sản phẩm; chỉnh sửa, tẩy xóa trên định mức mà hải quan đã đăng ký tiếp nhận nhằm điều chỉnh tên, chủng loại nguyên liệu để được khấu trừ; lợi dụng sơ hở trong quản lý của hải quan, dùng tờ khai nhập khẩu đã thanh khoản, quyết toán thuế kê khai thanh khoản và quyết toán thuế nhiều lần...
Tại Cục Hải quan Đồng Nai, phần lớn DN đều thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp với gần 70% hàng hóa thuộc loại hình sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, do tính chất địa bàn nằm ngay gần TP.Hồ Chí Minh nên nhu cầu tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng nguyên phụ liệu là rất lớn. Xuất phát từ thực tế đó, Cục Hải quan Đồng Nai luôn chú trọng công tác kiểm tra chống gian lận về định mức tiêu hao nguyên phụ liệu nhập gia công, sản xuất xuất khẩu, chống các hành vi tự ý tiêu thụ nguyên phụ liệu nhập gia công, nhập sản xuất.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan Cao Ngọc Tâm cho biết, tính đến nay, Cục Hải quan Đồng Nai đã hoàn thành việc kiểm tra sau thông quan để đánh giá tuân thủ đối với 40 DN, qua đó ấn định số thuế gần 80 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vi phạm về gia công sản xuất xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn về số vụ cũng như số thuế ấn định.
Tiêu biểu, qua kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty TNHH M.M (KCN Biên Hòa II), Chi cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện có sự chênh lệch giữa lượng nguyên vật liệu tồn kho thực tế và lượng tồn kho trên hồ sơ thanh khoản đã quyết toán với cơ quan Hải quan đối với 111 mã nguyên vật liệu. Công ty TNHH M.M không giải trình được số lượng chênh lệch trên, do đó Cục Hải quan Đồng Nai đã ra quyết định ấn định thuế với số tiền trên 25,7 tỷ đồng.
Tương tự, tại trụ sở Công ty TNHH B. (KCN Bàu Xéo), Đoàn kiểm tra sau thông quan của Cục Hải quan Đồng Nai cũng đã phát hiện chênh lệch giữa lượng nguyên vật liệu loại hình sản xuất xuất khẩu tồn kho thực tế và lượng tồn kho trên hồ sơ thanh khoản đã quyết toán với cơ quan Hải quan đối với 23 mã nguyên liệu. Do đó, Cục Hải quan Đồng Nai đã quyết định ấn định thuế theo quy định là trên 4,6 tỷ đồng.
Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty TNHH S.I (KCN Amata), Chi cục Kiểm tra sau thông quan cũng phát hiện chênh lệch giữa lượng nguyên vật liệu tồn kho thực tế và lượng tồn kho trên hồ sơ thanh khoản đã quyết toán với cơ quan Hải quan. Do không giải trình được lượng chênh lệch trên, Cục Hải quan Đồng Nai đã quyết định ấn định thuế theo quy định là trên 6,4 tỷ đồng đối với Công ty S.I.
Hay qua kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty TNHH F.T (KCN Nhơn Trạch III) Chi cục Kiểm tra sau thông quan cũng đã phát hiện số liệu tồn kho nguyên vật liệu thực tế loại hình nhập sản xuất xuất khẩu và gia công theo sổ sách, chứng từ kế toán, kiểm kê thực tế của công ty và số liệu tồn kho trên hồ sơ thanh khoản công ty thanh khoản, quyết toán với cơ quan Hải quan phát sinh chênh lệch thừa, thiếu lượng nguyên phụ liệu tồn kho tại 46 mã nguyên vật liệu.
Công ty TNHH F.T không giải trình được lượng nguyên vật liệu tồn kho chênh lệch này nên Cục Hải quan Đồng Nai đã ấn định thuế theo quy định là trên 5,9 tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Phúc Thọ nhận định, do phần lớn DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều là DN có vốn đầu tư nước ngoài, nên sự am hiểu về pháp luật Việt Nam rất hạn chế. Nhiều trường hợp DN hoàn toàn không cố ý vi phạm.
Do đó, công tác kiểm tra sau thông quan của Hải quan Đồng Nai bên cạnh việc kiểm tra tính tuân thủ pháp luật của DN còn nhằm khuyến cáo, nhắc nhở và phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam đến với DN, giúp DN hiểu rõ và tránh được các vi phạm về sau.
Ngoài ra, để việc phổ biến pháp luật này được triển khai rộng rãi trên nhiều DN, ông Thọ cũng đưa ra đề xuất về việc lựa chọn DN để thực hiện kiểm tra sau thông quan. Theo đó, cần cố gắng kiểm tra hết tất cả các DN trên địa bàn.
Cụ thể, không kiểm tra một DN quá hai lần trong vòng 5 năm, trừ trường hợp DN đó có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào DN mới, chưa được kiểm tra. Ông Thọ kỳ vọng cách làm trên có thể giúp kéo giảm tình trạng vi phạm của các DN FDI trong thời gian tới.