Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm nông nghiệp: Cần sự giám sát chặt chẽ của người dân
(Tài chính) Trong trước một số thông tin về việc đã xuất hiện hiện tượng trục lợi bảo hiểm tôm nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Ban chỉ đạo BHNN Trung ương đã cử đoàn công tác về làm việc với Ban chỉ đạo BHNN tỉnh Sóc Trăng về các nội dung trên.
PV: Thưa ông, những thông tin về việc đã xuất hiện hiện tượng trục lợi bảo hiểm tôm nuôi trong thời gian gần đây tại Đồng bằng Sông Cửu Long?
Ông Đỗ Anh Trường: Ngày 22/11/2012, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo BHNN Trung ương - nhận được thư chuyển qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ của công dân Nguyễn Hoàng Kha ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng về việc gian lận trong bảo hiểm nuôi tôm tại Sóc Trăng.
Nội dung thư phản ánh việc các đại lý bắt giống tôm thẻ chân trắng không rõ nguồn gốc, có nơi bắt tại Vũng Tàu với giá 27 đồng/con và để lại cho bà con với giá 85 đồng/con; có hiện tượng thả vài chục con/m2 nhưng trên giấy tờ kê khai 100 con/m2. Khi thả giống, người nuôi không hy vọng lợi nhuận từ con tôm mà chỉ trông chờ bảo hiểm bồi thường vào thời điểm cao giá nhất trong mức độ bồi thường, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên; giá thức ăn tôm thẻ 27.000 đồng/kg thì đại lý kê lên 40.000 đồng/kg.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Hoàng Kha, một hộ nuôi tôm tại xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, các đại lý cung cấp con giống, thức ăn cho nông dân nhưng lại khai tăng giá tôm giống, giá thức ăn; khai tăng mật độ nuôi thả. Chẳng hạn, đại lý lấy giống tôm thẻ chân trắng không rõ nguồn gốc với giá 27 đồng/con, về bán lại cho bà con nông dân với giá 85 đồng/con. Thức ăn cho tôm có giá 27.000 đồng/kg thì đại lý kê khai đến 40.000 đồng/kg. 1m2 ao chỉ thả vài chục con giống, nhưng trên giấy tờ lại kê khai 100 con/m2.
Đặc biệt, các đại lý thức ăn đứng ra làm thủ tục cho hộ nuôi tôm, khi tôm chết các đại lý sẽ lấy tiền bảo hiểm chi trả vào. Công dân Nguyễn Hoàng Kha còn cho rằng, do quá bức xúc trong việc bảo hiểm tôm nuôi đã gây nên việc ô nhiễm môi trường (sau khi bảo hiểm bồi thường rồi thì tôm bệnh sẽ bị các hộ nuôi thải ra môi trường bên ngoài làm ảnh hưởng môi trường tự nhiên) nên kiến nghị tới cơ quan chức năng và chính quyền kiểm tra rà soát lại, nếu không ngăn chặn được sự tiêu cực này thì sẽ dẫn đến việc Nhà nước thì mất đi số tiền lớn chi trả cho những người lợi dụng sự sơ hở của Chương trình bảo hiểm tôm. Thư cũng nói rõ đây là kiến nghị của một số hộ nuôi tôm tại xã Hòa Đông - Thị xã Vĩnh Châu mà công dân Nguyễn Hoàng Kha là đại diện.
PV: Với những thông tin như vậy thì Ban chỉ đạo BHNN Trung ương đã có những động thái gì, thưa ông?
Ông Đỗ Anh Trường: Chỉ một ngày sau khi nhận được thông tin này, ngày 24/11, lãnh đạo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã cử Phòng bảo hiểm phi nhân thọ - Phòng chủ công trong thực hiện BHNN của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - đã phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để giám sát đã làm việc với tỉnh Sóc Trăng về vấn đề công dân, bạn đọc nêu ý kiến. Ngay 16h chiều ngày 23/11, khi vừa tới Sóc Trăng, Đoàn đã làm việc, trao đổi với đại diện của các cơ quan: ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phó trưởng Ban chỉ đạo BHNN tỉnh Sóc Trăng; Ông Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc, Ông Quách Pái - Phó Giám đốc, Ông Ung Hữu Hậu - Trưởng phòng BHNN của Bảo Việt Sóc Trăng - doanh nghiệp thực hiện thí điểm BHNN.
Sau khi thống nhất phương án, ngày 24/11, mặc dù là ngày thứ bảy nhưng do tính chất đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ nên Đoàn công tác gồm các ông: Trần Đình Cung - Trưởng Phòng Pháp chế - Tổ trưởng tổ giám sát BHNN tỉnh Sóc Trăng; đại diện Bảo Việt Sóc Trăng và các cơ quan báo chí đã làm việc với ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu, trưởng ban chỉ đạo BHNN huyện; Ông Trần Hoàng Trung - Chủ tịch xã Vĩnh Hiệp, Ông Mã Chí Thọ - Chủ tịch xã Hòa Đông đều là trưởng ban BHNN xã để tìm hiểu sự thực theo đơn thư, ý kiến của công dân, bạn đọc. Để tới tận ao tôm mà có nghi vấn rằng hộ nuôi tôm xã Vĩnh Hiệp đã 2 lần gọi điện báo tôm chết, và lần 2 cách lần thứ nhất chỉ 2 ngày, Đoàn đã vào từng ao nuôi. Tại đây, cán bộ bảo hiểm và cán bộ thú y, cán bộ địa phương đã thực hiện các công đoạn kiểm tra, lấy mẫu, nhận xét thực địa để đưa ra kết luận cần thiết. Đồng thời, đã đưa các hộ có biểu hiện nghi vấn như vậy vào diện chú ý đặc biệt để tránh trục lợi nếu có.
Tại xã Hòa Đông là địa chỉ mà thư công dân đã nêu, chúng tôi không thể tìm gặp được ông Nguyễn Hoàng Kha bởi qua kiểm tra, trên địa bàn không có công dân nào có tên gọi như vậy. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương xã Hòa Đông và thị xã Vĩnh Châu đã khẳng định chưa có sự việc như vậy xảy ra trên địa bàn. Mà không chỉ cán bộ địa phương, ngay cả người nông dân và đại lý BHNN cũng khẳng định chưa có sự việc như vậy tại địa phương. Chúng tôi lưu giữ đầy đủ băng ghi âm, ghi hình do phóng viên báo đài ghi lại tại buổi làm việc và quá trình điều tra hộ nuôi.
Trở lại sự việc do công dân Nguyễn Hoàng Kha phản ánh, cuối chiều ngày 24/11, Đoàn công tác đã tìm gặp được làm việc với ông Nguyễn Hoàng Kha, người có thư hỏi Bộ trưởng (nêu trên) tại một gia đình trú tại địa bàn xã Mỹ Xuyên, huyện Vĩnh Châu.
Sau khi trao đổi một vài thông tin, với thái độ và khả năng trả lời câu hỏi, Đoàn phát hiện ra có khả năng Nguyễn Hoàng Kha không phải là người viết thư trên mà là chủ nhà, nơi Đoàn đang làm việc. Sau khi hỏi thẳng vào nghi vấn, Nguyễn Hoàng Kha công nhận mình không phải là người viết lá thư trên mà chỉ là người đứng tên giùm cho ông chủ của mình là ông Nguyễn Thành Nhàn, bố đẻ của gia chủ đang tiếp Đoàn.
Với tinh thần động viên và giải thích pháp luật để người dân hiểu biết thêm về BHNN, Đoàn đã giải đáp từng thắc mắc của người đứng đơn. Sau đó, đích thân con trai ông Nguyễn Thành Nhàn đã tự nguyện đưa Đoàn tới gặp ông tại ấp Hòa Long, xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ông Nhàn là người đã thuê ông Kha làm việc và dự thảo các nội dung trong thư nêu trên.
Qua làm việc, trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Kha và Nguyễn Thành Nhàn, các ông này cho biết các tiêu cực ông phản ánh đều là nghe thông tin dư luận, chứ không có bằng chứng cụ thể nào về các nội dung ông đã phản ánh. Đồng thời cũng có đề xuất cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, vì có nhiều hộ dân có nhiều tôm chết thải ra kênh mương gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và hoạt động nuôi tôm của các hộ khác. Ông Nguyễn Thành Nhàn cũng là một hộ nuôi tôm lớn trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, nhưng không thuộc địa bàn được lựa chọn thí điểm BHNN nên không được tham gia BHNN, do đó, ông đề xuất Nhà nước mở rộng địa bàn triển khai thí điểm BHNN để ông có cơ hội tham gia.
PV: Thiệt hại về con tôm được BHNN ở Sóc Trăng có gì đột biến không, thưa ông?
Ông Đỗ Anh Trường: Theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng thì kết quả thực hiện bảo hiểm cho con tôm sú, tôm thẻ chân trắng từ ngày 01/3 - 08/11/2012 cho 3.451 hộ, chiếm 27.26% so với tổng số hộ trên địa bàn trên diện tích là 2.696,29 ha. Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 70.488.776.712 đồng (trong đó, Ngân sách hỗ trợ 45.321.398.310 đồng, hộ dân nộp 25.167.378.402 đồng). Về thiệt hại và bồi thường bảo hiểm: diện tích nuôi tôm đã thiệt hại 811.096 ha (chiếm 30.08% so với diện tích tham gia bảo hiểm) của 963 hộ, ước tổng giá trị bồi thường là 64.806.829.043 đồng (trong đó, đã chi bồi thường 14.639.939.783 đồng) cho 348 hộ. Với con tôm sú thì không có vấn đề gì, nhưng gần đây nhiều hộ nông dân tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó có nguyên nhân là do nhận thấy tỷ lệ bảo hiểm bồi thường đối với tôm thẻ chân trắng cao hơn nhiều so với tôm sú.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, huyện, xã nêu trên cho biết đã tăng cường công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát. Hiện nay chưa phát hiện trục lợi bảo hiểm. Để tăng cường hiệu quả triển khai cũng như công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng cũng đã thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, Tổ kiểm tra, giám sát. Bảo Việt cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan: Chi Cục thú y, Chi Cục nuôi trồng, Chính quyền địa phương (Ban chỉ đạo huyện, thị và Ủy ban Nhân dân các xã, phường triển khai thí điểm) tiến hành kiểm tra 14 cuộc làm việc tận ao nuôi, hộ nuôi.
Kết quả cho thấy chưa phát hiện tình trạng thả giống ít, báo lên nhiều; xác minh đối chiếu danh sách hộ nghèo của xã với danh sách của cơ quan quản lý nhà nước là khớp đúng, chưa phát hiện hiện tượng khai thác không đúng đối tượng bảo hiểm….
Riêng trường hợp giống thả quá dầy so với hình thức nuôi là có thật, từ đó, đã chấn chỉnh ngay và chỉ bồi thường bảo hiểm theo quy định kỹ thuật của tỉnh đã ban hành, và Công ty bảo hiểm Bảo Việt đã đơn phương chấm dứt 02 hợp đồng bảo hiểm vì thực hiện không đúng quy tắc bảo hiểm; đồng thời giảm từ 20-30% số tiền bồi thường của 2 hộ cải tạo không đúng quy trình kỹ thuật… Ban chỉ đạo các cấp cũng đã giám sát dịch bệnh trên địa bàn bởi với hệ thống thú y rộng khắp đến cấp xã đã tạo thuận lợi cho việc quản lý và phối hợp tốt trong việc lấy mẫu xác minh dịch bệnh (đã xét nghiệm 3464 mẫu bệnh phẩm của tôm)…
PV: Pháp luật hiện nay có quy định nào để ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thưa ông?
Ông Đỗ Anh Trường: Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm: quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin về đối tượng được bảo hiểm, ký kết hợp đồng bảo hiểm, tổn thất, khai báo tổn thất, giám định thiệt hại, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra… Các quy định này đã hạn chế đáng kể các hành vi trục lợi bảo hiểm.
Đối với thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Thông tư 121/2011/TT-BTC còn quy định rõ ràng, chi tiết hơn về xác định đối tượng tham gia bảo hiểm, xác định đối tượng được bảo hiểm, xác định, công bố dịch bệnh, xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát….
Tuy nhiên, đây là triển khai thí điểm và cũng là lần đầu chúng ta triển khai, nhất là bảo hiểm nuôi tôm nên chưa có nhiều kinh nghiệm, đối tượng được bảo hiểm nhiều, phân tán trên địa bàn rộng, trong khi lực lượng làm bảo hiểm nông nghiệp mỏng nên cũng rất khó khăn trong việc quản lý, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật của bên mua bảo hiểm. Do vậy, chúng tôi cũng thường xuyên bám sát tình hình triển khai thực tế, trường hợp phát hiện quy tắc, điều khoản và biểu phí hay quy định pháp luật còn có điểm chưa phù hợp với thực tế tại địa phương, dễ bị trục lợi thì sẽ báo cáo, đề xuất với cấp trên các biện pháp xử lý cụ thể.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các doanh nghiệp bảo hiểm trong triển khai thí điểm BHNN trên địa bàn cùng với sự giám sát chặt chẽ của người dân cũng sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn được trục lợi bảo hiểm, đảm bảo thực hiện thành công thí điểm BHNN.
PV: Xin cảm ơn ông!