Ngân hàng 2015: Rộn ràng chuyện sáp nhập, còn nợ xấu liệu có "nguội" hơn?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Điều kiện thị trường và định hướng chính sách sẽ thúc đẩy hoạt động sáp nhập ngân hàng. Nhưng kỳ vọng VAMC sẽ cải thiện được phần nào tốc độ bán nợ trong thời gian tới có thể phải chờ đến khi khung pháp lý về xử lý nợ và thị trường mua bán nợ hoàn thiện...

Điều kiện thị trường và định hướng chính sách sẽ thúc đẩy hoạt động sáp nhập ngân hàng. Nguồn: internet
Điều kiện thị trường và định hướng chính sách sẽ thúc đẩy hoạt động sáp nhập ngân hàng. Nguồn: internet

Đây là nhận định trong Báo cáo Cập nhật ngành Ngân hàng 2014 và Triển vọng 2015 do Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) vừa mới phát hành.

Chờ khung pháp lý để VAMC làm tốt hơn sứ mệnh

Báo cáo của VCBS cho rằng, tỷ lệ nợ xấu có khả năng giảm xuống nhờ việc tích cực mua nợ xấu của VAMC. Thông  tư 02 sẽ tạo áp lực gia tăng nợ xấu, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ được tiết chế một phần bởi một số yếu tố khác.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nợ xấu có thể giảm về mức 3% vào cuối năm 2014. Theo VCBS, về mặt kỹ thuật, điều này là có thể thực hiện được nếu như tất cả ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ bán nợ cho VAMC để bắt buộc duy trì tỷ lệ này ngang bằng hoặc dưới ngưỡng 3%.

Thêm vào đó, việc áp dụng hình thức hạn chế mở chi nhánh, cấp tín dụng mới đối với các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao sẽ buộc các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ. Tuy nhiên, “bán nợ cho VAMC chỉ là bước tạm thời đưa khối tài sản có vấn đề của các ngân hàng sang VAMC. Triển vọng xử lý nợ xấu sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực quản trị của mỗi ngân hàng và tốc độ hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ của VAMC”, VCBS cho hay.

Thông tư 02 áp dụng toàn diện, nợ xấu có tăng?

Năm 2015, Thông tư 02 sẽ được áp dụng dưới dạng đầy đủ, và tạo áp lực làm tăng tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, theo VCBS, việc sử dụng tiêu chí phân loại của Trung tâm thông tin Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) trong đánh giá tín dụng doanh nghiệp sẽ không tạo sự khác biệt quá lớn, khi hiện tại hầu hết các ngân hàng đều đã tiếp cận hệ thống dữ liệu của CIC và dùng đây như một kênh tham chiếu trong quá trình xét duyệt khoản vay. Đối với các ngân hàng lớn như VCB, BID, MBB xếp hạng tín dụng nội bộ luôn được duy trì chặt chẽ hoặc ngang bằng với kết quả CIC.

Cùng với đó, việc ngừng hiệu lực Quyết định 780 có ảnh hưởng khác nhau lên từng ngân hàng, với mức tăng nợ xấu được đánh giá là từ 1% đến gấp đôi con số hiện tại. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được tăng từ 30% hiện tại lên mức 60% từ 1/2/2015 theo Thông tư 36 sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng có một khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 để cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn có dấu hiệu xấu và làm giãn áp lực nợ xấu trong ngắn hạn.

Ngoài ra, “Thông tư 36 quy định giới hạn tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là điều kiện để ngân hàng cấp tín dụng hay mua cổ phần các tổ chức tín dụng khác, từ đó tạo thêm áp lực buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tỷ lệ về ngưỡng định hướng thông qua bán nợ cho VAMC”, VCBS cho biết thêm.

Nhiều thương vụ M&A ngân hàng sẽ tiếp tục được thực hiện

Báo cáo của VBCS nhận định, các điều kiện thị  trường và định hướng chính sách sẽ  thúc  đẩy hoạt động M&A. Nguyên nhân được VCBS đưa ra là do nhóm ngân hàng yếu kém đã bộc lộ rõ trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vừa qua; bởi vậy, với những ngân hàng không thể tự tái cơ cấu, sáp nhập với ngân hàng khác là lựa chọn khả dĩ để tồn tại khi điều kiện kinh doanh khó khăn hơn.

Đồng thời, các ngân hàng lớn với sức cạnh tranh được kiểm chứng đang tận dụng cơ hội để mở rộng về quy mô. Với đặc thù kinh doanh ngân hàng và sự khống chế của Ngân hàng Nhà nước đối với việc mở mới chi nhánh, M&A với một ngân hàng khác là cách nhanh nhất để mở rộng thị phần và tăng độ thâm nhập.

Báo cáo này còn cho rằng, định hướng chính sách rõ ràng hơn của Ngân hàng Nhà nước hướng tới thu gọn hệ thống sẽ làm xuất hiện nhiều thương vụ sáp nhập theo chỉ định và có thể một lần nữa các ngân hàng lớn do Nhà nước chi phối sẽ đứng ra mua lại để tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ hơn.