Ngân hàng chạy đua thoái vốn

Theo Công Huyền/thoibaokinhdoanh.vn

Liên tiếp các đợt thoái vốn của các ngân hàng tại tổ chức tín dụng được thực hiện trong thời gian qua nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo và đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 Nhiều NHTM cổ phần đã thoái vốn thành công tại các TCTD khác trong thời gian qua. Nguồn: Internet
Nhiều NHTM cổ phần đã thoái vốn thành công tại các TCTD khác trong thời gian qua. Nguồn: Internet

Theo Thông tư số 36/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng (TCTD) khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Với quy định này, các ngân hàng có tỷ lệ vốn sở hữu vượt quá giới hạn phải hoàn tất việc thoái vốn trước tháng 6/2019.

Sôi động nhờ cổ phiếu hấp dẫn

Những năm trước, các ngân hàng gặp khó trong việc thoái vốn nhằm đáp ứng theo quy định của lộ trình tại Thông tư số 36/2015/TT-NHNN, do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, giá cổ phiếu giảm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, vấn đề này đã được giải quyết do giá cổ phiếu ngân hàng dần trở lại ngôi “vua” nên thu hút được nhà đầu tư quan tâm.

Thời gian qua, có thể thấy Vietcombank là ngân hàng có số lượng thoái vốn ở các TCTD nhiều nhất, với tỷ lệ thành công cao như: Thoái hết vốn tại SaigonBank, công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC).

Ngày 6/9 vừa qua, Vietcombank đã hoàn thành việc thoái hết vốn tại OCB, với 1.476.124 cổ phần OCB. Mức giá bình quân 20.501 đồng/cổ phần, Vietcombank thu về hơn 30 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 4, Vietcombank đã bán hơn 6,67 triệu cổ phần, tương đương 1,36% vốn điều lệ tại OCB, với mức giá bình quân 25.771 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 171,9 tỷ đồng.

Dự kiến, ngày 12/10 tới đây, Vietcombank tiếp tục bán đấu giá công khai 53,4 triệu cổ phần MB tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Hiện, Vietcombank đang sở hữu khoảng 150,6 triệu cổ phiếu MB và 101 triệu cổ phiếu EIB. Nếu đấu giá thành công 53,4 triệu cổ phiếu MB, tỷ lệ sở hữu sẽ giảm dưới 5%.

Một NHTM có vốn nhà nước khác là BIDV cũng đã ký thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn sở hữu tại Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV – Vietnam Partners cho CTCP Đầu tư Xuân Cầu.

Trong khi đó, VietinBank đã giảm bớt sở hữu tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn thông qua hình thức bán đấu giá công khai.

Tại nhóm NHTM cổ phần, một số ngân hàng cũng đã thoái vốn thành công. Điển hình như Eximbank đầu năm nay đã bán 12.042.500 cổ phiếu Sacombank (STB), giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ tại Sacombank xuống còn 97.530.716 cổ phiếu tương đương với 5,41% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.

Hay Maritime Bank đã thoái vốn thành công tại hai ngân hàng là PVCombank và MB. LienVietPostBank thoái vốn khỏi Sacombank…

NHNN cho biết, từ khi Thông tư số 36 có hiệu lực, lộ trình thoái vốn, mua bán và sáp nhập (M&A) ở các ngân hàng trong diện yêu cầu đã được đẩy mạnh, tình hình sở hữu chéo đã được cải thiện cơ bản, nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.

Giải pháp M&A

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, nguyên nhân quan trọng giúp các nhà băng thoái vốn thành công trong thời gian qua là kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng khởi sắc, lợi nhuận tăng cao, nợ xấu giảm mạnh. Cùng với đó, giá cổ phiếu ngân hàng khởi sắc, giúp các nhà băng thu hàng trăm tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi TCTD khác.

Tuy nhiên, dù đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng nhìn chung, việc thoái vốn tại các ngân hàng diễn ra còn chậm, đặc biệt là tại các ngân hàng trong diện tái cơ cấu.

Hiện tại vẫn còn không ít trường hợp phải tiếp tục thoái vốn khỏi TCTD mà trong quá khứ chưa thực hiện được do chưa tìm được nhà đầu tư, không có người mua, giá quá thấp, hoặc một số lý do khác.

Thực tế, quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ về mặt chất lượng tài sản, năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường giữa các nhà băng. Một số ngân hàng lớn sẽ vươn lên tăng trưởng mạnh mẽ, vì vậy việc thoái vốn dễ dàng hơn nhiều.

Trong khi đó, các nhà băng nhỏ, yếu kém vẫn khó khăn, chất lượng tài sản chưa thể cải thiện, nên M&A trong thời gian tới là khó tránh.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng để lành mạnh hệ thống ngân hàng, cần sớm xóa sạch sở hữu chéo. Trong đó, ngoài việc thoái vốn trong hệ thống các TCTD, thoái vốn ngoài ngành, thì M&A được xem là con đường ngắn, giải pháp tốt để các NHTM có cùng dáng dấp chủ sở hữu “về chung một nhà”.

“Việc sáp nhập sẽ giúp hệ thống ngân hàng giảm bớt số lượng ngân hàng quá nhiều như hiện nay. Chỉ cần 15 ngân hàng có hoạt động lớn mạnh, hiệu quả và mạng lưới rộng khắp là đủ, còn hơn là có quá nhiều ngân hàng nhưng hoạt động không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng”, ông Lịch nói.

Thời gian qua, ngành ngân hàng chứng kiến một số “hôn sự” giữa các ngân hàng như: MHB và BIDV, MekongBank và Maritime Bank, SouthernBank và Sacombank có cùng chủ sở hữu đã được sáp nhập.