Ngân hàng chịu áp lực huy động vốn dài hạn
Một số ngân hàng thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài 18,24 hoặc 36 tháng.
Theo SSI, tuần qua, NHNN hút ròng 5.011 tỷ đồng thông qua OMO (thị trường mở). Sau 4 tuần hút ròng liên tiếp, khối lượng tiền lưu hành trên OMO giảm nhanh từ hơn 150 nghìn tỷ đồng về mức gần 14 nghìn tỷ đồng. Lãi suất qua đêm dao động quanh mức 4%/năm, kết thúc tuần ở mức 3.98%/năm - giảm so với cuối tuần trước.
Trên thị trường 1 (dân cư, tổ chức), lãi suất được duy trì ổn định ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.4-8%/năm với kỳ hạn 12 hoặc13 tháng. Một số ngân hàng thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài 18,24 hoặc 36 tháng, hiện lãi suất các kỳ hạn này dao động trong khoảng 7,6%-8,6% ở các ngân hàng để gia tăng lượng tiền gửi dài hạn.
Tỷ lệ cho vay/(tiền gửi+ phát hành giấy tờ có giá) của các ngân hàng liên tục tăng trong đó tăng mạnh nhất là ở nhóm các ngân hàng nhỏ. Trong bối cảnh việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng kém thuận lợi thì gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài vẫn là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm chỉ tiêu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, do đó tạo áp lực tăng đôi với lãi suất với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Cũng trong tuần qua, tỷ giá trung tâm và tỷ giá bán của NHNN tiếp tục được nâng thêm 23 đồng/USD, lên mức 22.946 đồng/USD và 23.584 đồng/USD. NHNN vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ trong những ngày đầu tháng 3. Triển vọng khả quan về giải ngân vốn FDI, FII ( đầu tư gián tiếp và trực tiếp ngắn hạn; chênh lệch lãi suất VND-USD được duy trì ở mức 1,5-1,7%/năm và sự ổn định của đồng CNY sẽ hỗ trợ cho sự ổn định của VND trong thời gian tới.