Ngân hàng đẩy vốn vào kinh doanh dịp cuối năm
Tăng trưởng tín dụng 11 tháng năm 2019 mới đạt 10%, chỉ bằng tăng trưởng tín dụng của 9 tháng năm 2018, trong khi mục tiêu tăng trưởng ngành ngân hàng đặt ra trong năm nay ở mức 14%. Chỉ còn 3 tuần để các ngân hàng tranh thủ đẩy vốn cho vay sản xuất kinh doanh.
Đón mùa cao điểm kinh doanh
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản cũng như các lĩnh vực rủi ro khác, đồng thời phải tái cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn (theo Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước), các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi đón mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.
Cụ thể, Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho nhóm doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chủ động được nguồn vốn kinh doanh, với lãi suất từ 6,99%/năm. VPBank hỗ trợ 80% giá trị khoản vay, thời gian vay tối đa 8 năm và giải ngân trong 4 giờ đồng hồ, với các mức lãi suất 6,9%/năm, 7,9%/năm và 8,9%/năm cố định trong lần lượt từ 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng đầu tiên.
Nam A Bank đang hỗ trợ các DN nhỏ và vừa lãi suất từ 6,5%/năm đối với các khoản vay 36 - 120 tháng, từ 7,5%/năm với các khoản vay từ 24 tháng đến dưới 36 tháng. Vietbank dành 500 tỷ đồng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ, với lãi suất từ 7%/năm.
ABBank dành 2.500 tỷ đồng cho DN, với lãi vay cố định trong 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/năm. ACB cũng có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động, lãi suất từ 7,5%/năm. VietCapital Bank vừa triển khai gói vay tài trợ đến 70% vốn cho các dự án lắp tấm điện mặt trời dành cho DN trong việc đáp ứng nhu cầu về năng lượng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Không thiếu vốn cho DN
Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các NHTM đã tập trung vào chất lượng tín dụng hơn là tăng trưởng. Dư nợ toàn hệ thống thấp nhưng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tăng, cho thấy tăng trưởng tín dụng đã bền vững và đi vào thực chất hơn. |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết tính đến hết quý 3-2019, dư nợ tín dụng đối với DN nhỏ và vừa đạt gần 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối năm 2018. Đáng lưu ý, dư nợ tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các DN nhỏ và vừa. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua các loại hình quỹ.
Riêng tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết trong 11 tháng năm 2019, tăng trưởng tín dụng của thành phố đã đạt 12,4%. Về cơ cấu, trong khoảng 2,4 triệu tỷ đồng đã cho vay có 76% là cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, 24% còn lại cho bất động sản và tiêu dùng. Đây là một cơ cấu tích cực. Liên quan đến tín dụng tháng cuối năm, ông Minh khẳng định, dư địa tăng trưởng tín dụng tại TPHCM trong tháng cuối năm còn khoảng 1,6%, tương đương hơn 30.000 tỷ đồng.
Với dư địa này, các NHTM không thiếu vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh của DN. Cụ thể, Vietcombank đang tiếp tục giảm đồng loạt lãi suất 0,5% tiền vay trên diện rộng với khoảng 320.000 tỷ đồng dư nợ trong 2 tháng cuối năm 2019. Theo Vietcombank, việc giảm được lãi suất như trên là do ngân hàng tiết giảm các chi phí, nâng cao chất lượng tín dụng để giảm mức độ trích lập dự phòng, từ đó không làm ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận.
Cùng với đó, năm nay, Vietcombank được phân bổ tín dụng ở mức 15%, 10 tháng đầu năm mới chỉ tăng 10%, vẫn còn 5% trong 2 tháng cuối năm nên ngân hàng tập trung khu vực khách hàng DN, nhóm khách hàng đang chiếm đến 60% tỷ trọng dư nợ cho vay của Vietcombank.