Ngân hàng “đỏ mắt tìm tri kỷ”
(Tài chính) Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang phải tái cấu trúc, mỗi ngân hàng đang phải sắp xếp, củng cố lại hoạt động thì việc tìm được một đối tác chiến lược nước ngoài hiểu và hợp tác với mình sẽ là “cú hích” lớn cho thương hiệu và vị thế của ngân hàng đó. Tuy nhiên, việc tìm kiếm “tri kỷ” không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thật sự phục hồi như hiện nay.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongABank, sở dĩ có chuyện ngân hàng nội vừa chia tay với đối tác nước ngoài này đã tìm kiếm đối tác nước ngoài khác, là vì, trong 5 năm hợp tác, họ thấy không hợp nhau nên chia tay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng nội rất cần một đối tác chiến lược nước ngoài, nhất là những ngân hàng có định hướng phát triển bán lẻ.
Nền tảng từ đối tác
Theo ông Kiêm, đối tác nước ngoài sẽ giúp cho ngân hàng nội về trình độ quản lý, vốn và nhân sự lành nghề. Với cách làm chuyên nghiệp, sản phẩm tài chính hiện đại, những ngân hàng có chiến lược phát triển bán lẻ sẽ bật lên nhờ nền tảng tốt từ đối tác chiến lược.
Có lẽ vì thế mà sau khi chia tay với Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC), VPBank đã lên kế hoạch tìm kiếm đối tác nước ngoài một cách ráo riết. VPBank là ngân hàng đang đẩy mạnh chiến lược ngân hàng bán lẻ, do vậy, việc tìm được đối tác chiến lược thời điểm này sẽ rất tốt cho ngân hàng.
Theo giới thạo tin, hiện đang có một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng rất quan tâm và đang thẩm định VPBank để xem xét việc góp vốn. Số lượng cổ phần VPBank chào bán cho đối tác chiến lược nước ngoài ở mức “room” tối đa cho phép. Giá bán sẽ được ủy quyền cho VPBank quyết định tùy thuộc vào điều kiện cụ thể và đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Dù vậy, việc đi đến quyết định ký vào “hôn ước” có lẽ còn là một chặng đường dài, bởi nguyên nhân sẽ đến từ 2 phía. Với VPBank, bài học từ OCBC không phải là nhỏ. Tất nhiên, “hôn ước” 6 năm với OCBC, VPBank đã được hưởng rất nhiều lợi ích, nhất là thương hiệu và vị thế được nâng lên.
VPBank là ngân hàng không có nhiều sản phẩm gây dấu ấn trên thị trường. Còn nợ xấu thì cũng gia tăng nhanh chóng, từ mức tỷ lệ 1,82% của năm 2011 lên mức 2,71% trong năm 2012, tiếp tục tăng lên hơn 1.474 tỷ đồng, chiếm gần 2,81% tổng dư nợ vào cuối năm 2013 và nhích lên mức 1.573 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ vào cuối quý I/2014.
Vì vậy, lần chọn đối tác này, VPBank không chỉ kỳ vọng về một sức bật thương hiệu hay vị thế, mà là năng lực quản trị, trình độ quản lý, đào tạo nhân sự và kinh nghiệm của đối tác trong việc phát triển ngân hàng bán lẻ. Còn đối tác nước ngoài, họ cũng cân nhắc rất kỹ, bởi ký vào “hôn ước” là dù có hợp hay không cũng phải chung sống với nhau 5 năm.
DongABank cũng đang tìm đối tác chiến lược, tuy nhiên, theo ông Kiêm, công cuộc tìm kiếm vẫn đang được tiến hành, nhưng hiện tại ngân hàng này đang trong giai đoạn củng cố, xây dựng giá trị để khi 2 bên hiểu nhau rồi thì giá bán cổ phần cho đối tác chiến lược cũng cao hơn. Với mục tiêu phát triển ngân hàng bán lẻ, việc tìm kiếm một đối tác nước ngoài là cần thiết.
Hay như Sacombank cũng vậy, sau khi chia tay với đối tác nước ngoài là ANZ, hiện cũng đang tìm đối tác nước ngoài khác để hợp tác. Mục tiêu của Sacombank không chỉ là phát triển bán lẻ mà còn vươn ra thị trường mới nhờ năng lực của đối tác chiến lược.
Cũng với mục tiêu tìm kiếm đối tác nước ngoài, nhưng MB không theo định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, mà là để nhanh chóng tiếp cận công nghệ, bí quyết kinh doanh, những lĩnh vực mà MB chưa mạnh. Đồng thời MB sẽ tận dụng mạng lưới hoạt động để vươn ra những thị trường mới.
“Định hướng của MB là trở thành một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xoay quanh trục chính là ngân hàng. Vì thế, MB đang tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để tăng cường nguồn vốn”, ông Lê Hải, Phó Tổng giám đốc MB, cho biết.
Khó tìm “tri kỷ”
Bình luận về vấn đề này, ông Kiêm cho rằng việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài thời điểm này hơi khó, vì tìm được đối tác hiểu mình và làm việc hợp với mình trong bối cảnh này không dễ chút nào. Do vậy, các ngân hàng sẽ mất khá nhiều thời gian cho việc tìm hiểu trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Cùng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao HĐQT BIDV, cho biết hiện rất nhiều đối tác nước ngoài đang vào Việt Nam tìm kiếm ngân hàng để hợp tác. Tuy nhiên, việc tìm đối tác chiến lược không thể ngày một, ngày hai là xong mà phải tìm hiểu, bởi khi về còn phải khớp nhau về quản trị, điều hành. Hơn nữa, thời điểm này, đối tác nước ngoài đang nghe ngóng về vấn đề nợ xấu, nên cũng cẩn trọng trong quyết định của mình.
Một vấn đề nữa có thể gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình đàm phán với đối tác nước ngoài là tỷ lệ room tối đa. Mặc dù Chính phủ đã nới mức room cho đối tác nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng lên 30%, nhưng mức này vẫn chưa được cho là tăng thêm quyền cho nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan, với việc siết lại tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân không quá 5% và những người liên quan không quá 20%, thì việc tăng room lên 30% thực chất là tăng thêm quyền cho nhà đầu tư nước ngoài.
Rõ ràng, cung cầu về đối tác chiến lược là không thiếu, vấn đề còn lại chỉ là có hợp nhau hay không. Cả ngân hàng nội cũng như đối tác nước ngoài đều hiểu sự vội vàng trong thời điểm này có thể sẽ không mang lại sự đột phá cho ngân hàng và những cuộc “ly hôn” trước đó đã cho họ bài học quý giá này.