Ngân hàng đối diện kinh tế số
Hơi nóng của kinh tế số đang phả vào không gian tài chính hội nhập, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ, với sức nóng được cho là “hầm hập”.
Một trong những luồng hơi nóng khiến các ngân hàng phải đặc biệt quan tâm, là dòng vốn đổ vào Fintech. Nếu ì ạch, các ngân hàng có thể sẽ bị các Fintech “qua mặt”.
Áp lực từ “kỳ lân” Fintech tương lai
Theo một ước tính, đã có khoảng 290 triệu USD đổ vào Fintech ở Việt Nam từ khoảng cuối 2016-2018. Con số này tuyệt đối nhỏ so với vốn FDI chừng 20 tỷ USD tại Việt Nam hiện nay, nhưng lại được dự báo sẽ tăng trưởng rất nhanh trong vòng 1-2 năm tới.
Theo đó, vốn vào Fintech Việt có thể sẽ đạt tới 2-3 tỷ USD vào năm 2020 và Việt Nam sẽ trở thành điểm sôi động hút vốn Fintech ở Đông Nam Á.
Trên thực tế ở Việt Nam, ngoài VNG- tập đoàn công nghệ có vốn hóa đạt 1 tỷ USD, chúng ta chưa có thêm nhiều “kỳ lân” start-up công nghệ có thể hấp thu vốn khủng. Trong tương lai gần, ông Don Lam, người đứng đầu VinaCapital, nói rằng, do hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện chưa phát triển theo chiều sâu, nhóm Fintech có thể trở thành những chú “kỳ lân” mới. Nguyên do là các ngân hàng Việt Nam có xu hướng hoạt động theo mô hình truyền thống và chậm bắt nhịp với công nghệ.
Từ năm 2018, kinh tế số và xu hướng ngân hàng số hóa đã bắt buộc các tổ chức tín dụng phải tư duy lại. Đặc biệt tư duy lại trong đồ hình phát triển ngân hàng bán lẻ với những hệ sinh thái ngày càng mở rộng.
Don Lam và VinaCapital cho biết họ không chỉ thành lập Cty đầu tư công nghệ với vốn 100 triệu USD, chú trọng đầu tư trước hết 2 lĩnh vực quan trọng là Fintech và Logistics, mà chủ động lựa chọn start-up tiềm năng để rót vốn với thời gian đầu tư không ấn định.
Trong khi đó, không được xem là đầu tư Fintech, nhưng Mekong Capital lại cạnh tranh dịch vụ với chính các ngân hàng và Cty tài chính qua khoản vốn rót vào F88 – Cty statup lĩnh vực cầm đồ duy nhất gọi được vốn ngoại hiện nay trên thị trường. Thêm sự tiếp sức từ quỹ đầu tư Ireland, F88 đạt định giá 43,5 triệu USD, nhằm mục tiêu cho vay 1.000 tỷ đồng năm tới.
Nhà khởi nghiệp F88, anh Phùng Anh Tuấn cho biết rằng các khoản cho vay trung bình qua Cty chỉ ở hạn mức khoảng 10 triệu đồng, là những khoản “rất nhỏ và các ngân hàng sẽ không quan tâm.
Không nhu cầu dịch vụ nào là nhỏ!
Ghi nhận về xu hướng cho vay tiêu dùng các khoản vay nhỏ từ 10 triệu đồng của khách hàng, nhiều ngân hàng cho biết tuy đây là “mảng miếng” không thuộc trọng tâm của họ, nhưng đó là chuyện trước năm 2018.
Từ năm nay, kinh tế số và xu hướng ngân hàng số hóa đã bắt buộc các tổ chức tín dụng phải tư duy lại. Đặc biệt tư duy lại trong đồ hình phát triển ngân hàng bán lẻ với những hệ sinh thái ngày càng mở rộng.
Chỉ với họ, tên khách hàng, số điện thoại và email, qua Yolo Master Card, VPBank cung cấp quyền thanh toán toàn cầu online với hạn mức 5 triệu đồng, đáp ứng đại đa số nhu cầu dịch vụ cá nhân và thoát khỏi “giới hạn” cơ bản như 1 ví điện tử “light” cùng digital banking. VPBank trước đó đã thử nghiệm dạng ví này với Timo Hangout.
Ở hướng đi khác, HDBank đã triển khai cho vay khách hàng mua vé máy bay Vietjet, qua HD Saison. Dòng tiền từ HD Saison được thanh toán ở “cổng” HDBank, để mua một sản phẩm dịch vụ thuộc hệ sinh thái đặc quyền của HDBank, là ví dụ mẫu mực cho thấy trong kỷ nguyên số hóa tài chính, không một khoản tiền nhỏ và nhu cầu tưởng nhỏ nào có thể “bỏ qua”.
Một ước tính từ HDBank cho biết với BigData (dữ liệu lớn) 20 triệu khách hàng của hệ sinh thái họ có, HDBank có trong đó trên 2 tỷ USD tiền bán vé của Vietjet chảy về, cùng với số dư tài khoản thanh toán duy trì không dưới 500 triệu USD.
Lưu ý rằng mỗi một vé máy bay Vietjet nội địa khởi đi 1 chiều có thể chỉ bắt đầu từ vài trăm ngàn đồng- không có gì gọi là lớn lao nhưng thực sự có thể mang đến nguồn thu phí dịch vụ “góp gió thành bão”.
Vậy ngân hàng số năm 2018 đã có thể trở thành “bến đỗ” dịch vụ mới cho các nhà tài chính bán lẻ hướng đến khách hàng doanh nghiệp và SMEs? Câu trả lời có lẽ ít niềm vui hơn so với mảng tài chính cá nhân, khi trong cuộc chạy đua làm số hóa, việc phục vụ khách hàng tổ chức xem ra khó hơn.
Phần đông vẫn chưa đạt được ngân hàng số đúng nghĩa với tất cả những gì khách hàng có thể làm ở các chi nhánh ngân hàng bình thường được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất và được thao tác trên cơ sở vật lý duy nhất là thiết bị máy tính hoặc thiết bị di động có internet.
Ngay cả Omni Channel của OCB vốn được thị trường khá chú ý trong năm qua, nhưng thực tế vẫn chưa đủ để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm “ngồi một chỗ, nắm cả thế giới”, qua một cú click với tài khoản duy nhất để thực hiện các giao dịch phục vụ hoạt động kinh doanh.
Thách thức, áp lực, hơi nóng của kinh tế số đối với hệ thống ngân hàng, rõ ràng sẽ còn nóng hơn ở phía trước.