Ngân hàng Eximbank chốt ngày trả cổ tức 18% bằng cổ phiếu
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã chứng khoán: EIB) vừa ban hành nghị quyết thông qua ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức 18% bằng cổ phiếu.
Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức là 25/9/2023. Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/9/2023. Cụ thể, theo kế hoạch, Eximbank sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỷ đồng.
Với tỷ lệ thực hiện 100:18, tức 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 18 cổ phiếumới), EIB sẽ phát hành thêm gần 266 triệu cp để trả cổ tức. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của EIB sẽ tăng thêm gần 2,656 tỷ đồng, lên mức 17,470 tỷ đồng.
Eximbank cho biết tính đến ngày 30/06/2023, Ngân hàng không có cổ đông lớn. Trong đó, nhóm cổ đông Nhà nước nắm giữ 5.07% vốn, còn lại 94.93% do cổ đông khác sở hữu.
Như vậy, trong đợt chia cổ tức này, nhóm cổ đông Nhà nước sẽ được nhận thêm hơn 13 triệu cổ phiếu mới, tăng khối lượng cổ phần nắm giữ từ gần 75 triệu đơn vị lên hơn 88 triệu đơn vị.
Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.
Trước đó hồi tháng 2/2023, Eximbank cũng đã hoàn thành việc phát hành thêm 246 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%.
Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Đây là lần đầu tiên trả cổ tức cho cổ đông của Eximbank kể từ năm 2014.
Kết thúc sau 6 tháng đầu năm 2023, khoản giảm trích lập dự phòng tại ngân hàng này chỉ còn 270 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau nửa năm chỉ đạt 1.675 tỷ đồng (giảm 24%) kéo theo lợi nhuận trước thuế tại Eximbank chỉ đạt hơn 1.405 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của Eximbank đạt 190.301 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm trước, trong đó cho vay khách hàng tăng khá khiêm tốn chỉ ở mức 1%. Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh 54,5% với 3.625 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,8% cuối năm trước lên 2,75% vào cuối quý II.