Ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận bù đắp dự phòng
(Tài chính) Nợ xấu vẫn có xu hướng gia tăng trong bối cảnh tín dụng chậm cải thiện, khiến nhiều nhà băng lo ngại khả năng lợi nhuận không đạt chỉ tiêu. Thậm chí, nhiều nhà băng chỉ kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động tín dụng đủ bù đắp cho khoản trích lập dự phòng.
Tín dụng vẫn ì ạch
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, OCB vẫn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng chủ trương thận trọng theo diễn biến chung của nền kinh tế. Nếu đến cuối năm nay, nền kinh tế chưa thật sự ổn định trở lại thì tăng trưởng tín dụng khó có thể kỳ vọng ở mức cao. Tuy nhiên, nhiều khả năng, OCB có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. 6 tháng đầu năm nay, tín dụng OCB đạt mức tăng trưởng khoảng 6%.
“Nếu kinh tế tăng trưởng tốt, chúng tôi sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin tăng room tín dụng. Nhưng nhìn chung, để kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng trưởng đột biến trong thời gian còn lại của năm sẽ rất khó”, ông Tùng nói và cho rằng, đó cũng là lý do OCB không thể kỳ vọng lợi nhuận ở mức cao. Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, OCB đạt gần 50% kế hoạch lợi nhuận (khoảng 154 tỷ đồng) so với chỉ tiêu cả năm là 320 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng khác cũng không dám kỳ vọng lợi nhuận cao trong năm nay, bởi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không mấy sáng sủa. Chẳng hạn, tại Eximbank, lợi nhuận trước thuế hơn 6 tháng chỉ đạt khoảng 25% so với chỉ tiêu cả năm 2013. Hay tại SouthernBank, 6 tháng, Ngân hàng đạt lợi nhuận hơn 637 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là từ hoạt động mua bán chứng khoán và đầu tư. 2 quý đầu năm, hoạt động tín dụng của SouthernBank trầm lắng, tín dụng vẫn âm 1,6% so với hồi đầu năm. Thu nhập lãi thuần quý II/2013 của nhà băng này lỗ 140 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 22,7 tỷ đồng.
Trích lập dự phòng tăng cao
Hoạt động tín dụng âm trong khi nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh trong những tháng đầu năm khiến nhiều nhà băng lo ngại lợi nhuận thu về không đủ bù đắp dự phòng rủi ro.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) một ngân hàng cổ phần quy mô tương đối lớn tại TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, nếu tình hình tín dụng trong những tháng cuối năm nay không cải thiện thì khả năng lợi nhuận chỉ đủ để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. 7 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt lợi nhuận khoảng 800 tỷ đồng, so với kế hoạch cả năm là 3.200 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng khó thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông theo kế hoạch đã được đại hội cổ đông phê duyệt hồi đầu năm.
Thực tế, với xu hướng nợ xấu chưa có điểm dừng, điều tiên quyết đối với các ngân hàng là phải trích lập đầy đủ các khoản dự phòng. Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Phạm Hữu Phú cho rằng, với những khó khăn của năm 2012 và 6 tháng đầu năm nay cho thấy, đòi hỏi trước hết của các ngân hàng là phải đảm bảo được an toàn trong hoạt động, vì thế, việc trích lập đầy đủ dự phòng là điều kiện cần thiết dù phải hy sinh lợi nhuận.
Chẳng hạn, trong năm 2012, Sacombank phải trích lập dự phòng trên 1.000 tỷ đồng cho công ty chứng khoán trực thuộc Ngân hàng (SBS) và không kỳ vọng sẽ được hoàn nhập vào tổng lợi nhuận trong năm nay. Cho dù lợi nhuận năm qua đã bị ảnh hưởng bởi khoản trích lập dự phòng lớn cho SBS, song theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, điều đó sẽ làm cho hoạt động của Ngân hàng được lành mạnh trong năm nay cũng như các năm tới đây.
6 tháng đầu năm nay, Sacombank đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương gần 52% kế hoạch năm (2.800 tỷ đồng) và mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng là 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Phú, để đạt được mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng, trước hết, phải kiểm soát được nợ xấu.
Theo Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng, khả năng năm nay nhiều ngân hàng sẽ khó đạt kế hoạch kinh doanh cho dù chỉ tiêu đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng, thậm chí kế hoạch lợi nhuận tại nhiều ngân hàng còn thấp hơn so với mức thực hiện năm 2012. Nguyên nhân là nợ xấu tăng khi hàng tồn kho doanh nghiệp không giảm, còn sức mua yếu dần dẫn đến, lợi nhuận thu về chỉ đủ để trích dự phòng.
Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cho biết, sau 2 quý hoạt động đầu năm, lợi nhuận đạt được của Ngân hàng tuy không như kỳ vọng nhưng cũng ở mức khả quan. Tuy nhiên, theo ông Bình, đến cuối năm, khi các khoản dự phòng được trích lập đầy đủ mới có thể biết được khả năng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận hay không. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động, nhất là với hoạt động tín dụng trong năm nay, DongA Bank còn thành lập thêm một quỹ dự phòng rủi ro khoảng 140 tỷ đồng, trong khi DongA Bank đã có một quỹ dự phòng rủi ro 900 tỷ đồng.
Xu hướng nợ xấu của ngành ngân hàng tăng qua các tháng và theo NHNN nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nợ xấu của ngành dẫn tới số dự phòng rủi ro tín dụng toàn ngành đã tăng từ 64.200 tỷ đồng cuối năm 2012 lên 71.700 tỷ đồng cuối tháng 5/2013.
Các ngân hàng cho rằng, nhà đầu tư, cổ đông cũng cần có sự chia sẻ trong bối cảnh thị trường khó khăn rất khó kỳ vọng cổ tức cao. Vấn đề quan trọng lúc này là phải quản trị ngân hàng an toàn, tạo được chữ tín với các khách hàng gửi tiền.