Ngân hàng lỗ trong kinh doanh vàng, ngoại hối: có thực không?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Báo cáo tài chính quý IV/2013 của một số ngân hàng đã công bố cho thấy những khoản lỗ khá lớn về hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng và chứng khoán trong quý này. Nhưng đó có phải là nguyên nhân thực sự?

Ngân hàng lỗ trong kinh doanh vàng, ngoại hối: có thực không?
Báo cáo tài chính quý IV/2013 của một số ngân hàng đã công bố cho thấy những khoản lỗ khá lớn về hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng và chứng khoán. Nguồn: internet
Hoạt động ngoài tín dụng “ăn mòn” lợi nhuận nhà băng

Vài năm trở về trước, hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối, chứng khoán thường góp phần làm nên con số lợi nhuận rất đẹp của các ngân hàng thương mại, thì từ năm 2012 đến nay lại xói mòn khoản lợi nhuận vốn đã bị co hẹp lại rất nhiều do tín dụng tăng trưởng chậm và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh của các nhà băng.

SHB vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2013 với kết quả lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân là do trong quý này, thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm gần 30% so với cùng kỳ 2012, từ mức 3.681 tỷ đồng (quý IV/2012) giảm xuống còn 2.449 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng giảm mạnh, đạt 287,4 tỷ đồng so với mức 1.010 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012. Trong đó, mảng kinh doanh ngoại hối “đóng góp” số lỗ 67 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ cùng kỳ của mảng này là 3,1 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2013 của Techcombank cho thấy, trong quý này, kết quả kinh doanh của Ngân hàng đã khả quan hơn so với cùng kỳ, khi đạt 128 tỷ đồng lãi trước thuế (quý IV/2012, lỗ hơn 1.200 tỷ đồng). Dù vậy, lũy kế cả năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Techcombank vẫn giảm hơn 13% so với năm 2012, đạt 878 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận giảm phần lớn đến từ mảng tín dụng do tăng trưởng thấp (2,95%); trong khi các mảng ngoại hối và vàng thua lỗ. Cụ thể, trong quý IV, mảng kinh doanh vàng và ngoại hối dù lãi 40 tỷ đồng, nhưng cả năm Ngân hàng vẫn lỗ 121,5 tỷ đồng từ mảng này. Khoản đầu tư chứng khoán trong quý này cũng lỗ trên 40 tỷ đồng.

Quý IV/2013 là quý đầu tiên Eximbank báo lỗ, với lợi nhuận sau thuế âm 221,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập từ mảng cho vay chỉ đạt gần 494 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, riêng bộ phận ngân hàng phía Bắc âm gần 83 tỷ đồng. Chi phí dự phòng cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, lên tới 120 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh ngoại hối quý này lỗ gần 229,6 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 180 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012. Lũy kế cả năm, mảng kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng lỗ hơn 113 tỷ đồng.

Với ACB, mặc dù hoạt động dịch vụ giúp ngân hàng này lãi 207 tỷ đồng trong quý IV/2013 và cả năm 2013 là 770 tỷ đồng, song thu nhập lãi thuần cả năm giảm 36,2% so với năm 2012, đạt 4.386 tỷ đồng; thu nhập lãi thuần trong quý IV giảm 43,4% so với cùng kỳ, xuống 887 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối sau hai quý II và III liên tiếp lãi (với số lãi lần lượt là 30,3 tỷ đồng và 10,1 tỷ đồng) thì lỗ tới 34 tỷ đồng trong quý IV. Lũy kế cả năm, mảng kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ gần 78 tỷ đồng. Cộng với việc chi phí hoạt động tăng mạnh, trong quý cuối năm 2013, ACB lỗ 444 tỷ đồng, kéo lợi nhuận trước thuế cả năm của Ngân hàng xuống con số 1.035 tỷ đồng.

Dù không chịu thua lỗ từ mảng hoạt động kinh doanh ngoại hối, song với ngân hàng vốn có thế mạnh về hoạt động này như Vietcombank, lợi nhuận cũng sụt giảm, đạt gần 151 tỷ đồng, so với mức 369 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012. Lũy kế cả năm, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Vietcombank đạt gần 1.426 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với năm 2012.

Lỗ trong kinh doanh vàng, ngoại hối: thực không?

Nhìn nhận việc nhiều ngân hàng báo cáo con số thua lỗ trong các mảng kinh doanh vàng và ngoại hối, Phó tổng giám đốc Khối Kinh doanh nguồn vốn của một ngân hàng thương mại cho biết, con số âm chưa hẳn đã phản ánh đúng bản chất của việc thua lỗ trong mảng kinh doanh ngoại hối, vàng của các ngân hàng. Theo giải thích của vị phó tổng giám đốc này thì đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối, tổ chức tín dụng đổi từ ngoại tệ ra VND để cho vay, khi tới hạn, đổi ngược lại ngoại tệ rơi vào thời điểm tỷ giá cao, nên nhìn vào giao dịch này trên báo cáo tài chính là lỗ. Nhưng thực tế, hoạt động này lại không lỗ, bởi tổ chức tín dụng đã được hưởng lợi nhuận từ việc cho vay tiền đồng từ nguồn ngoại tệ.

“Điều này không ghi rõ trong báo cáo tài chính, nhưng khi họp Đại hội cổ đông, lãnh đạo ngân hàng sẽ phân tích rõ với cổ đông”, vị phó tổng giám đốc trên nói.

Ở một góc nhìn khác, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng, thực tế, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm vừa qua rất khó khăn. Đối với mảng kinh doanh vàng, trong năm qua, các ngân hàng phải mua vàng để tất toán trạng thái vàng, nhưng cùng với đà giảm của giá vàng thế giới, qua 76 phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng miếng SJC giảm gần 12 triệu đồng/lượng (tương đương 25%) tính đến cuối năm 2013.

Trong khi đó, lợi nhuận kinh doanh ngoại hối phụ thuộc lớn vào biến động của tỷ giá. Tuy nhiên, trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động can thiệp trong trường hợp cần thiết nên thị trường ngoại tệ vẫn ổn định. Năm qua, dù Ngân hàng Nhà nước đã nới chút ít điều kiện cho vay ngoại tệ vào tháng 9, nhưng thực tế, việc vay ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không phải đã dễ dàng.

“Việc các ngân hàng cuối năm báo lỗ mảng kinh doanh vàng, ngoại tệ không có gì là khó hiểu”, vị tổng giám đốc trên chia sẻ.

Còn theo giải thích của bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối dịch vụ tài chính ngân hàng EY (Việt Nam), hiện tại, khái niệm “kế toán theo năm tài chính” vẫn tồn tại trong các quy định về kế toán và lập báo cáo tài chính ở Việt Nam. Thông tư 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định thời điểm lập và trích lập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm. Riêng đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được (chứ không bắt buộc) trích lập và hoàn nhập dự phòng ở cả thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.

Đồng thời, chế độ kế toán hiện hành cũng quy định thời điểm kết chuyển các khoản lãi/lỗ từ đánh giá lại các giao dịch tỷ giá và các công cụ phái sinh vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cuối năm tài chính. Đây là những yếu tố khách quan dẫn đến việc báo cáo tài chính quý IV của các doanh nghiệp thường có biến động hơn so với các quý khác trong năm.

Từ góc độ chủ quan, đối với những quy định mang tính định kỳ hàng quý như quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng các khoản cho vay đối với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng thường có xu hướng thực hiện rà soát phân loại nợ và dự phòng một cách chặt chẽ và toàn diện hơn vào thời điểm cuối năm.

Dù bản chất thực sự của việc lãi/lỗ với mảng kinh doanh ngoại hối ra sao và con số cuối cùng còn phải đợi kết quả báo cáo tài chính năm 2013 sau kiểm toán, song rõ ràng, đây là những hồi chuông cảnh báo các ngân hàng nên cơ cấu lại hoạt động, tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh.