Ngân hàng ngoại gia tăng rót vốn vào Việt Nam

Theo Nam Anh/vnexpress.net

Tăng vốn, mở rộng mạng lưới hay đầu tư vào dịch vụ mới... là cách mà nhóm ngân hàng ngoại thu hút người dùng Việt.

Ngân hàng 100% vốn ngoại CIMB đang chuẩn bị cho hoạt động tại Việt Nam. Nguồn: Internet
Ngân hàng 100% vốn ngoại CIMB đang chuẩn bị cho hoạt động tại Việt Nam. Nguồn: Internet

Năm 2018 chứng kiến dòng vốn ngoại ồ ạt chảy vào ngành ngân hàng. Ngay từ đầu năm, hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh khả quan và hoàn thành kế hoạch tăng vốn. Trong đó Techcombank nhận khoản đầu tư 8.400 tỷ đồng (370 triệu USD) từ quỹ đầu tư Mỹ Warburg Pincus. Còn VP Bank nhận thêm hơn 1.800 tỷ đồng (80 triệu USD) từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Hoạt động gia tăng đầu tư cũng thể hiện mạnh mẽ ở nhóm ngân hàng ngoại. Ngay từ đầu năm, ngân hàng bán lẻ tốt nhất Malaysia 2017 - CIMB rót vốn mạnh để khởi động nền tảng ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á của nhà băng này. Ngân hàng số được đánh giá là triển vọng của ngành ngân hàng khi giúp người dùng chủ động thời gian và tiết kiệm tiền bạc trong các khâu đăng ký cũng như giao dịch.

Tại Việt Nam, CIMB nhắm vào nhóm khách hàng năng động, hiện đại và có nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước.  Ngoài ra, ngân hàng cũng có lộ trình rõ ràng trong việc mang đến thị trường Việt những dịch vụ mới dựa trên công nghệ. Điển hình là ứng dụng di động Mobile Banking tích hợp nhiều tiện ích.

Đại diện ngân hàng này cho biết đây là động thái đón đầu xu thế mua sắm, giao dịch chủ yếu qua các thiết bị di động của người dùng Việt. Với lợi thế vốn điều lệ lên tới 3.200 tỷ đồng, khả năng quản trị mạnh mẽ, nền tảng ổn định hứa hẹn mang tới các trải nghiệm hấp dẫn cho người dùng.

Ngân hàng cũng dự kiến kết hợp với các nhà bán lẻ và công ty viễn thông để xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng đa dạng và phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng.

Cũng trong năm nay có hai ngân hàng ngoại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ. Theo đó NongHyup chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 35 triệu USD lên 80 triệu USD còn Bank of China chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tăng vốn từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD.

Bên cạnh tăng vốn, nhóm ngân hàng ngoại còn chạy đua mở rộng mạng lưới để thu hút khách hàng. Trong tháng 7, Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam được chấp thuận mở thêm ba chi nhánh và hai phòng giao dịch. Shinhan Bank Việt Nam mở thêm 4 chi nhánh, nâng tổng số điểm giao dịch lên 30 điểm trên cả nước. Còn Woori Bank cũng có thêm 5 chi nhánh và một phòng giao dịch.

Ngân hàng ngoại gia tăng rót vốn vào Việt Nam - Ảnh 1

Các ngân hàng triển khai thêm nhiều dịch vụ tiện ích dựa trên nền tảng công nghệ giúp tăng thu hút khách hàng.

Triển vọng lợi nhuận cao

Việc các ngân hàng tăng vốn, mở rộng hoạt động và triển khai thêm nhiều dịch vụ cho thấy triển vọng lạc quan của toàn ngành.

Báo cáo của hãng nghiên cứu Wealth-X công bố mới đây cho thấy Việt Nam nằm trong top ba nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017, với mức tăng 12,7% mỗi năm. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).

Bên cạnh đó, tăng trưởng trong hoạt động mua sắm gắn với nền tảng di động của Việt Nam thuộc top Đông Nam Á, tốc độ phát triển thương mại điện tử tăng gần 30% một năm cho thấy sự thay đổi chóng mặt cũng như khả năng chi tiêu mạnh tay của người Việt.

Thị trường tài chính cũng hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô khi nền kinh tế tiếp đà tăng trưởng khởi sắc, thị trường bất động sản có sự chuyển dịch tích cực, nợ xấu tiếp tục giảm càng củng cố lòng tin của ngành ngân hàng.