Ngân hàng OCB đặt mục tiêu lãi kỷ lục hơn 6.800 tỷ đồng

Huyền Châm

Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm ngoái và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động gần 30 năm.

Cổ đông OCB quan tâm mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm ngoái. Ảnh: Huyền Châm
Cổ đông OCB quan tâm mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm ngoái. Ảnh: Huyền Châm

Kế hoạch tăng vốn lên hơn 24.700 tỷ đồng

Ngày 15/4, OCB tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Nội dung được cổ đông quan tâm là mục tiêu lợi nhuận kỷ lục.

Cụ thể, trong năm 2024, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm ngoái và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động gần 30 năm.

Ngân hàng tiếp tục tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tái cơ cấu lại danh mục theo hướng đa dạng nguồn thu.

Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng 19% lên 286.562 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 17% lên 197.346 tỷ đồng. Mục tiêu dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 177.592 tỷ và sẽ được điều chỉnh theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Để đáp ứng quy mô tăng trưởng mới, OCB tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.618 tỷ đồng, chủ yếu thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và một phần chào bán riêng lẻ.

Vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng. Nguồn tiền từ tăng vốn sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Về giá phát hành và số lượng chào bán riêng lẻ, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cho biết, OCB có cam kết với Aozora Bank về duy trì tỷ lệ sở hữu 15% của tổ chức này. Do đó, khi phát hành ESOP thì phải phát hành riêng lẻ tương ứng cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ này rất quan trọng với Aozora để báo cáo về Nhật Bản.

Giá trị sổ sách hiện nay của OCB gần 14.000 đồng/CP, theo đó giá phát hành sẽ không thấp hơn mức giá sổ sách này.

Vì sao đặt kế hoạch tăng trưởng cao?

Trả lời chất vấn của cổ đông trước kế hoạch tăng trưởng kinh doanh cao, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cho biết, ngân hàng cũng là nhà đầu tư nên lúc nào cũng muốn lợi nhuận cao và đây không phải là mục tiêu điều hành phi thực tế.

Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị cổ đông. Ảnh: HC
Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị cổ đông. Ảnh: HC

“Từ năm 2014-2021, OCB liên tục nằm trong top tỷ suất lợi nhuận cao, từ ngân hàng nhỏ bé lên top 10 lợi nhuận cao nhất ngân hàng, thì tại sao không tự tin làm được con số kế hoạch đó. Trong năm 2022-2023 không đạt kết quả mong muốn do các yếu tố khách quan. Chúng tôi tự tin Ban Điều hành sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh, duy trì mức độ ngân hàng năng động và tỷ suất lợi nhuận cao”, Chủ tịch OCB chia sẻ.

Lý giải thêm về việc lợi nhuận năm ngoái giảm sau kiểm toán, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết, sở dĩ sau báo cáo kiểm toán, kết quả kinh doanh của OCB có một số thay đổi là do ngân hàng chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.

“Chúng tôi đã đồng ý với kiểm toán về việc tăng trích lập dự phòng trong năm 2023. Đây là một quá trình xử lý, tiến độ trong quý I đã xử lý 1.800 tỷ đồng trong danh mục 2.900 tỷ đồng, toàn bộ danh mục này dự kiến giải quyết dứt điểm trước tháng 6. Ngân hàng đã xử lý giảm hơn 50% nên chi phí dự phòng đã trích bổ sung cho những tài sản này vào cuối năm 2023 cũng sẽ được hoàn lại tương ứng”, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.

Giải thích về khoản chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cao gấp đôi vốn điều lệ, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) chủ yếu là trái phiếu chính phủ, mục đích là đảm dự trữ thanh khoản đồng thời đảm bảo các chỉ số khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng không có mục đích đầu tư vào chứng khoán có rủi ro mà chỉ tập trung vào nâng cao khả năng thanh khoản. Danh mục đầu tư này sẽ tăng tương ứng khi tổng tài sản của ngân hàng tăng lên.

Phát hành báo cáo phát triển bền vững độc lập

Chia sẻ về chiến lược ngân hàng xanh, triển khai ESG, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, ngân hàng xanh là chiến lược từ nhiều năm trước. Thực tế, OCB đã khởi động chương trình hàng chục năm trước. Theo lãnh đạo OCB, quy mô tín dụng xanh tại ngân hàng đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8 - 10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn ngân hàng, quy mô này dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tới.

“Sự hợp tác chiến lược giữa OCB và IFC khẳng định cam kết trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng xanh. Dự kiến quý III/2024 OCB sẽ phát hành báo cáo phát triển bền vững độc lập với sự tư vấn từ PwC, một trong các công ty rà soát tư vấn về tiêu chuẩn xanh hàng đầu thế giới”, Tổng giám đốc OCB chia sẻ.