Ngân hàng thu xếp hàng chục nghìn tỷ đồng cho EVN vay

Theo Dân trí

Ngoài 9.200 tỷ từ Vietinbank và BIDV, EVN cũng đã nhận được cam kết gần 5.000 tỷ đồng từ VDB và hỗ trợ vốn của Vietcombank. Ngoài ra,còn có 510 triệu USD của Ngân hàng XNK Hàn Quốc, 206 triệu USD từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Theo nguồn tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương danh mục các dự án nguồn và lưới điện cấp bách và tích cực làm việc với các ngân hàng để hoàn thành các thủ tục và ký kết hợp đồng tín dụng. Hiện các ngân hàng đang thẩm định hồ sơ cho các dự án của Tập đoàn.

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đang hoàn tất các thủ tục nội bộ để triển khai ký kết hợp đồng cho vay vốn bổ sung 2.500 tỷ đồng cho dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, bao gồm cả Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Theo EVN, bên cạnh đó, VDB cũng đã đồng ý cho vay bổ sung dự án Thủy điện Đồng Nai 3 với số vốn 421 tỷ đồng và thêm 449 tỷ đồng cho Thủy điện Bản Vẽ.

Đối với các dự án lưới điện, VDB chấp thuận cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) vay vốn để thực hiện dự án đường dây 500kV Quảng Ninh - Mông Dương và phục vụ đền bù 24 dự án lưới điện trong năm 2012.

Hiện tại, hai bên đang đàm phán để ký kết cho dự án đường dây 500kV Quảng Ninh- Mông Dương số vốn vay 662 tỷ đồng và dành 891 tỷ đồng phục vụ đền bù cho 11 dự án. Phía NPT đang hoàn thiện thủ tục của 11 dự án với số vốn cần đáp ứng là 811 tỷ đồng để VDB xem xét.

Các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh cũng vào cuộc với sự góp mặt của NHTMCP Công thương (Vietinbank), Ngoại thương (Vietcombank) và Đầu tư Phát triển (BIDV).

Được biết, Vietinbank đã thẩm định xong hồ sơ cho vay 6.200 tỷ đồng làm vốn đối ứng cho dự án Duyên Hải 3. Số vốn vay này đã được Tập đoàn báo cáo Thủ tướng và Văn phòng chính phủ đang xin ý kiến của các Bộ ngành trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Trong khi đó, Vietcombank triển khai các thủ tục nội bộ để cho EVN vay vốn thực hiện các dự án Cảng than Trung tâm Điện lực Duyên Hải theo 2 phương án. Một là, cho vay toàn bộ giá trị hợp đồng EPC. Hai là, cho vay làm vốn đối ứng để thanh toán 15% giá trị hợp đồng EPC và thanh toán các loại phí của hợp đồng vay.

Về phía BIDV, nhà băng này cũng đã chấp thuận thu xếp 3.010 tỷ đồng để NPT đầu tư 9 dự án lưới điện. Hiện nay, BIDV đang xem xét các hồ sơ liên quan đến các dự án. Tuy nhiên, để ký kết hợp đồng vay vốn, BIDV đề nghị phải có ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ bằng quyết định hoặc bằng văn bản.

Như vậy, trước mắt, nếu được Thủ tướng thông qua cũng như đàm phán thuận lợi với các nhà cho vay, EVN sẽ nhận được trên 14.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ, trong đó, hơn 9.000 tỷ đồng là từ các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.

Ngoài ra, EVN cũng đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng để thu xếp vốn đầu tư còn thiếu cho các dự án điện. EVN cho biết, Tập đoàn đang đàm phán để ký kết hợp đồng bổ sung hơn 343 tỷ đồng của Viettinbank cho dự án Thủy điện Bản Vẽ, ký hợp đồng vay vốn nước ngoài cho dự án Duyên Hải 3, thương thảo với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đảm phán vay 510 triệu USD bổ sung cho dự án Mông Dương 1, thương thảo với Ngân hàng Công thương Trung Quốc về khoản vay 206 triệu USD cho dự án cảng Duyên Hải...

EVN cho biết, Bộ Công Thương đang thẩm định phương án phát hành trái phiếu 10.000 tỷ đồng cho các dự án điện để có vốn phục vụ cho các các dự án điện.

Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là tổ chức tín dụng duy nhất chưa có cam kết về hỗ trợ vốn đối với EVN. Theo thông báo số 247/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng thu xếp vốn để thực hiện các dự án đấu nối Trung tâm Điện lực Vũng Áng, Formosa, cấp điện cho Hà Nội và khu vực miền Nam.

Tuy nhiên, do Agribank cũng đang khó khăn trong việc thu xếp vốn để đầu tư cho lĩnh vực nông thôn, do vậy ngân hàng chưa cam kết hoặc chỉ xem xét trong trường hợp đặc biệt và phải có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bằng văn bản cụ thể.