Ngân hàng thương mại đối diện với 3 điểm chốt “chết người”

Theo thoibaonganhang.vn

Có 3 điểm chốt “chết người” mà các ngân hàng thương mại phải đối diện trong thời gian tới.

 Ngân hàng thương mại đối diện với 3 điểm chốt “chết người”
Các chuyên gia đều khuyên cần tiến hành kiểm toán nghiêm túc đối với các tổ chức tín dụng. Nguồn: thoibaonganhang.vn
Gói 30 ngàn tỷ đồng: Chẳng ai muốn “chết sớm” cả

Đối tượng được vay vốn của gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng được quy định rất rõ trong Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng. Đơn giản, mở rộng và đặc biệt hấp dẫn ở mức lãi suất 6%/năm, thời hạn cho vay đến 10 – 15 năm, khiến rất nhiều người hồ hởi đến ngân hàng hỏi vay, để rồi nhận về “gáo nước lạnh”. Có ba điểm khiến gói tín dụng này không thể vội được.

Thứ nhất, người mua nhà thì muốn ngay lập tức được vay vốn. Thậm chí có người đã vay mua nhà ở xã hội rồi, nay muốn chuyển hợp đồng về mức lãi suất 6% – là điều không có trong quy định. Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam nói đúng: “Dân mình không đọc Thông tư đâu, mà chỉ đọc báo thôi, nên đề nghị báo chí thông tin đầy đủ đến người dân”. Không nghiên cứu kỹ quy định người mua nhà đã lao ngay đến ngân hàng, nên cũng dễ thất vọng. Người vay chỉ quan tâm đến vấn đề lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài mà báo chí đã đưa – một phần trong nội dung của Thông tư 11. Mà một phần của sự thật chưa chắc đã là sự thật.

Thứ hai, người vay vốn đương nhiên phải tập hợp đủ thông tin chứng minh mình thuộc diện được vay vốn. Cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng tỏ ra rất sốt sắng, phối hợp nhịp nhàng để sớm có thể giải ngân được gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, những vấn đề liên quan thì không chỉ có giữa 2 cơ quan này, mà hàng loạt thủ tục, giấy tờ cho một bộ hồ sơ vay vốn lại liên quan đến nhiều cơ quan, địa phương khác. Nhiều cửa như vậy không bị vướng mới lạ. Đơn cử, ngân hàng đang chờ Bộ Xây dựng đưa ra danh sách các dự án đủ điều kiện để cho vay (diện tích dưới 70m2, giá xây dựng dưới 15 triệu đồng/m2…), trong khi Bộ Xây dựng thì nói vẫn đang xem xét, tập hợp…

Thứ ba, đòi hỏi các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ, hy sinh là quá khó đối với họ trong lúc này. Thời hạn cho vay dài sẽ khiến rủi ro của ngân hàng tăng, trong khi lãi suất cho vay lại thấp, khách vay lại chủ yếu là người có thu nhập thấp, khả năng trả nợ khá mong manh. Chẳng ai muốn “thả gà ra đuổi”, trong khi bản thân các ngân hàng đã và đang phải giải quyết quá nhiều vấn đề như: nợ xấu tăng cao, lợi nhuận sụt giảm, tái cơ cấu… Vậy bảo sao ngân hàng không hồ hởi triển khai gói tín dụng này. Vả lại thời hạn cho vay đến tận 1/6/2023, người vay vội chứ sao ngân hàng phải vội!?.

Vàng: Đừng mong được nương tay

Việc thành lập VAMC có thể giải quyết từ 40-70 nghìn tỷ đồng.

Gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng trở nên nóng hơn một phần cũng vì vấn đề vàng đang được dư luận tạm gác qua một bên. Sau bản báo cáo dài đến 15 trang của Ngân hàng Nhà nước, rồi bản nghiên cứu 4 trang của Ngân hàng Standard Chartered đã dựng lên bức tranh tổng thể về thị trường vàng Việt Nam “nét” đến từng chi tiết.

Có lẽ vì thế chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trở về ngưỡng 5 triệu đồng/lượng nhưng không làm dư luận sôi sục như trước. Vàng “nguội” nhưng đô la thì bắt đầu nóng lên. Thời điểm 30/6 đang đến gần. Sau mấy phiên dư bán thì những phiên gần đây bên mua bắt đầu tích cực hơn. Có lẽ họ đã thấy, Ngân hàng Nhà nước quyết không nương tay, không cho họ thêm thời gian để lùi.

Theo nguồn tin của chúng tôi, ACB đã chấp nhận lỗ nặng để cân đối tài khoản vàng nhằm tất toán đúng hạn. Nhưng, một số ngân hàng khác thì chưa, trong đó có SCB, Eximbank, Techcombank… Các ngân hàng này sẽ phải “cắn răng” mua vàng vào với giá cao hơn trước đây rất nhiều để kịp tất toán đúng hạn.

Ngoài nguồn mua từ Ngân hàng Nhà nước họ phải mua ngoài thị trường. Đây là lý do khiến giá đô la tăng trong những ngày gần đây và vẫn còn có nguy cơ tăng tiếp do cầu vẫn còn cao. Không chỉ các ngân hàng thương mại gom đô la để mua vàng mà cả giới buôn lậu vàng – những người đang tranh thủ kiếm lợi từ mức chênh lệch 5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới tuy có xu hướng giảm nhưng thi thoảng lại “nhảy” lên khiến giá vàng trong nước lại có cớ tăng, và dù tăng không nhiều thì vẫn sẽ làm tăng chi phí của các ngân hàng tăng khi lượng vàng họ cần mua vào khá lớn.

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước đến 5/3/2013, các ngân hàng thương mại cần khoảng 25 tấn vàng nữa để tất toán số dư huy động vàng. Trong khi đó, tính từ ngày 28/3/2013 đến ngày 7/6/2013, thông qua 28 phiên đấu thầu cơ quan này đã bán ra khoảng 27,3 tấn vàng. Như vậy, để về đích đúng hạn, chắc chắn những ngân hàng đang còn số dư huy động vàng lớn sẽ chịu nhiều “mất mát”. Chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới trước mắt là vấn đề và mối quan tâm của ngân hàng thương mại. Nhưng liệu sau 30/6, khi ngân hàng thương mại không mua nhiều vàng nữa, chênh lệch giá vàng có thu hẹp? Chờ xem!

Nợ xấu: Hẹn ngày tái ngộ!

Năm 2012, các tổ chức tín dụng đã sử dụng gần 70 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Trong 4 tháng đầu năm nay họ xử lý tiếp được khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng rủi ro; đồng thời trích lập được 68 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ có thể giúp giải quyết từ 40 – 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cho đến thời điểm này vẫn chưa có con số chính xác về nợ xấu cần xử lý của các tổ chức tín dụng. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều khuyên cần tiến hành kiểm toán nghiêm túc đối với các tổ chức tín dụng. Bản thân họ biết rõ nhất nợ xấu của mình là bao nhiêu. Nếu các ngân hàng muốn giấu nợ xấu thì e rằng không thể “kê đơn” đủ liều. Thứ hai, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu này hầu hết là bất động sản. Mà xử lý tài sản đảm vốn không đơn giản, nay bất động sản lao dốc thì vấn đề càng trở nên phức tạp.

Các chuyên gia trong nước và ngoài nước đều khuyên cần tiến hành kiểm toán nghiêm túc đối với các tổ chức tín dụng.

VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu. Sau khi lấy được tiền từ VAMC, các tổ chức tín dụng cầm số trái phiếu này lên Ngân hàng Nhà nước chiết khấu 50% để xin tái cấp vốn. Họ sẽ phải trích lập một khoản tiền để đảm bảo sau 5 năm có tiền trả lại VAMC.

Theo quy định tại Quyết định 843/QĐ-TTg vừa được ban hành về xử lý nợ xấu và hoạt động của VAMC, các tổ chức tín dụng phải “thu xếp vốn, chủ động bán tài sản, bàn giao tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của khách hàng vay để trả nợ gốc, lãi cho VAMC hoặc tổ chức tín dụng được VAMC ủy quyền”.

Trong trường hợp tổ chức tín dụng không lo được tiền trả cho VAMC họ sẽ phải tiếp tục bán nợ thành dạng góp vốn cổ phần hoặc bán cổ phần. Và như vậy, vấn đề đặt ra là phải nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, tại các ngân hàng thương mại.