Ngân hàng Trung ương Brazil cắt giảm mạnh lãi suất ngân hàng

Theo TTXVN

Nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua, ngày 12/1, Ngân hàng Trung ương Brazil tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất ngân hàng trong bối cảnh lạm phát giảm song nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ngày 11/1, Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Brazil thông báo hạ lãi suất cơ bản xuống mức 13% và đây là tháng thứ 3 liên tiếp Brazil hạ lãi suất. Mức cắt giảm 0,75% trong lần hạ lãi suất này cao hơn nhiều so với 2 lần trước cũng như so với dự báo của các chuyên gia. 

Theo ủy ban trên, nguyên nhân đưa ra con số cắt giảm lớn bất ngờ này là do tỷ lệ lạm phát đã giảm song nền kinh tế Brazil vẫn chưa thấy các dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, dù đã cắt giảm liền 3 tháng, lãi suất ngân hàng của Brazil hiện vẫn vào mức cao nhất thế giới.

Hiện chính phủ của Tổng thống Michel Temer đang hối thúc Quốc hội thông qua cải cách chi tiêu công nhằm tăng cường tài chính công. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo đề xuất cải cách này phải đối mặt với các nguy cơ từ tình hình chính trị không ổn định khi mà các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào các quan chức cấp cao vẫn đang diễn ra.

Cùng ngày, Viện Địa lý và thống kê Brazil (IBGE) cho biết tỷ lệ lạm phát nước này trong năm 2016 ở mức 6,29 %, dưới mức trần cho phép 6,5% và thấp hơn so với dự báo 6,35% của thị trường. IBGE dự báo kể từ năm nay khi mức trần lạm phát của Brazil sẽ giảm còn 6%, tỷ lệ lạm phát nước Nam Mỹ trong năm 2017 sẽ ở mức 4,81%, cao hơn một chút so với mục tiêu đề ra 4,5%.

Trong năm 2015, tỷ lệ lạm phát của Brazil đã lên đến 10,67%, mức cao nhất trong vòng 13 năm, khiến nước này phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm giá hàng hóa và dịch vụ. Nhờ đó, trong tháng 12 vừa qua, tỷ lệ này của nước Nam Mỹ đã xuống còn 0,3%, mức thấp nhất trong tháng cuối cùng của năm kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng quốc gia Brazil vẫn cao hơn gần 2% so với mục tiêu đặt ra 4,5% cho đến năm 2016. Việc tăng giá thực phẩm trong thời gian vừa qua đã khiến tỷ lệ lạm phát không thể giảm hơn nữa. Chỉ số giá thực phẩm trong năm 2016 tăng 8,62%, nhưng vẫn thấp hơn gần 3,5% so với năm 2015.