Ngân hàng thế giới lo ngại chính sách của Donald Trump

Theo vnexpress.net

Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay, một phần do rủi ro "áp lực bảo hộ" từ các chính sách thương mại sắp tới.

Lập trường cứng rắn của ông Trump có thể gây chiến tranh thương mại. Nguồn: internet.
Lập trường cứng rắn của ông Trump có thể gây chiến tranh thương mại. Nguồn: internet.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới ra hôm nay, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,7% năm nay, giảm nhẹ so với 2,8% hồi tháng 6/2016. Dù vậy, tốc độ này vẫn tăng so với 2,3% năm ngoái. Đà tăng trưởng được cải thiện chủ yếu nhờ các nước mới nổi và đang phát triển.

Báo cáo không trực tiếp đề cập đến tên Donald Trump, nhưng phân tích dựa trên các chính sách kinh tế tiềm tàng của ông. Trump muốn cứng rắn với các đối tác thương mại của Mỹ. Ông thường xuyên đe dọa các quốc gia và công ty bằng thuế nhập khẩu và nhiều loại thuế khác nếu không mang việc làm về Mỹ.

Các nhà kinh tế học cho rằng lập trường như vậy sẽ đẩy Mỹ và các đối tác lớn vào một cuộc chiến thương mại, có thể ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu. WB cảnh báo chính sách thương mại sắp tới của Trump không tốt cho Mỹ, ám chỉ việc Trump dọa rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

"Nếu được thực hiện, các kế hoạch rút khỏi hiệp định thương mại, tăng thuế nhập khẩu và hàng rào thương mại sẽ dẫn đến hành động trả đũa và các ảnh hưởng tiêu cực với triển vọng của Mỹ", WB cho biết.

WB không thay đổi dự báo tăng trưởng của Mỹ, với lý do các chính sách sắp tới là không chắc chắn, khiến họ không thể dự báo. Theo đó, Mỹ có thể tăng trưởng 2,2% năm nay.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm của WB. "Mỹ có thể đang cố gửi thông điệp đến các chính phủ khác rằng: 'Này, anh đang đùa với lửa đấy'. Bảo hộ thương mại là một trong những lo lắng lớn nhất của tôi trong vài năm tới”, Scott Anderson - kinh tế trưởng tại Bank of the West cho biết.

Tuy nhiên, bất chấp các dự báo ngày càng u ám trên thế giới, quan điểm của nhiều người Mỹ về chính sách của Donald Trump lại hoàn toàn trái ngược. Thị trường chứng khoán đã tăng mạnh kể từ thời điểm bầu cử, niềm tin tiêu dùng và sự lạc quan của doanh nghiệp cũng tăng lên. Rất nhiều người đang đặt cược Trump sẽ giảm thuế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng và giảm quy định quản lý để thúc đẩy kinh tế.

WB cũng cho rằng việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) là một rủi ro lớn với triển vọng kinh tế toàn cầu. Ngoài bất ổn lớn về chính sách tại Anh và Mỹ, rủi ro với triển vọng thế giới còn nằm ở "áp lực bảo hộ tăng cao, gián đoạn trên thị trường tài chính và tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn gây thất vọng".

Với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, việc Mỹ tăng lãi suất và đồng đôla mạnh lên sẽ khiến "điều kiện tài chính thắt chặt đáng kể". Việc này có nghĩa họ sẽ khó tiếp cận nguồn vốn hơn, hoặc với lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, WB vẫn kỳ vọng tăng trưởng tại đây tăng tốc, một phần do giá hàng hóa tăng, như dầu hay vàng. Nhiều nước trong nhóm này là nước xuất khẩu các mặt hàng trên. Bên cạnh đó, đà suy giảm tại hai nền kinh tế mới nổi lớn, là Brazil và Nga, cũng sẽ chấm dứt.

Tăng trưởng tại Việt Nam năm 2016 được đánh giá chịu áp lực từ hạn hán nghiêm trọng và xuất khẩu yếu. WB ước tính Việt Nam tăng trưởng 6% năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay, tốc độ này sẽ cải thiện, lên 6,3%. GDP giai đoạn 2017 - 2019 của Việt Nam được dự báo tăng trung bình 6,3% một năm, do nhu cầu được thúc đẩy bởi FDI và xuất khẩu mạnh.