Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025

Gia Hân

Ngày 8/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 689/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Đề án đã chỉ rõ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững.

Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của TCTD; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.

Đề án sẽ triển khai thí điểm áp dụng theo phương pháp nâng cao tại các NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.

Bảo đảm vốn điều lệ

Các TCTC cần phải có biện pháp bảo đảm số vốn điều lệ tối thiểu đến năm 2025. Cụ thể, đối với các TCTD đang hoạt động (không bao gồm NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt):

Thứ nhất, với các NHTM, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn có vốn điều lệ tối thiếu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Thứ hai, với các công ty tài chính, vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng.

Thứ ba, với các công ty cho thuê tài chính, vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.

Riêng NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).

Khuyến khích mua bán, hợp nhất các TCTD

Đáng chú ý, Đề án đã nêu ra cụ thể nhóm các giải pháp cơ cấu lại TCTD. Các TCTD xây dựng phương án và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo từng nhóm/khối các TCTD bao gồm: tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng...; khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh; triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chủ động xây dựng phương án để cơ cấu lại toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa sau khi Bộ Tài chính hoàn tất việc phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của ngân hàng; thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu

Cùng với việc xác định mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD, Chính phủ chỉ đạo công tác xử lý nợ xấu, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).

Để thực hiện tốt mục tiêu trong xử lý nợ xấu, Quyết định số 689/QĐ-TTg đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó, chú trọng việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm (TSBĐ); thu nợ và xử lý TSBĐ; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, nhằm bảo đảm thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, hạn chế thiệt hại cho các TCTD.