Dồn dập đề xuất giảm lãi vay, khoanh nợ

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Hiện nay, số lượng đơn gửi đến các ngân hàng xin giảm lãi, khoanh nợ rất lớn. Tuy nhiên, nếu không có tiêu chí rõ ràng thì các ngân hàng thương mại có thể sẽ thực hiện không giống nhau, thậm chí có yếu tố chủ quan khi xác định đối tượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong văn bản ban hành đầu tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Trong đó, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất cho vay và tiến hành các biện pháp hỗ trợ khách hàng khác.

Ám ảnh nợ xấu

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang tiếp tục “quật ngã” nhiều doanh nghiệp. Không có dòng tiền trả nợ, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh rơi vào khó khăn, thậm chí đối diện nguy cơ có thể bị siết nợ thu hồi tài sản.

Bà Bùi Lan Phương, giám đốc công ty TNHH Song Toàn (Bắc Ninh) chia sẻ, năm 2019 doanh nghiệp tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới, để đáp ứng số lượng đơn hàng tăng gần gấp đôi, bà vay ngân hàng 10 tỷ xây thêm nhà máy.

Đầu tháng 1/2020 nhà máy đi vào hoạt động, chưa được 1 tháng thì dịch COVID-19 ập đến. Cũng từ đó đến nay, nhà máy mới xây thêm “đắp chiếu”. Khách hàng cũ, lẫn khách hàng mới cắt giảm đơn hàng mạnh khiến dòng tiền vào nhỏ giọt. Doanh nghiệp luôn chật vật xoay xở trả nợ ngân hàng chậm, hoặc thành nợ quá hạn.

“Trong bối cảnh đó, nhân viên xử lý nợ của ngân hàng gọi điện giục tôi bán tài sản thế chấp là nhà máy để trả nợ. Nhưng đó là điều tôi không hề muốn. Dịch là bất khả kháng, chỉ mong ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ nữa để có sức cầm cự tới lúc dịch được kiểm soát, nhà máy hoạt động bình thường trở lại”, bà chia sẻ.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh cũng lao đao trong đợt bùng phát mới của đại dịch. Mới đây, các hiệp hội vận tải vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Chẳng hạn, về chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư phương tiện, nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện và được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 - 2020 được ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp và nhiều chuyên gia kinh tế, đợt dịch lần thứ 4 diễn ra phức tạp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước. Trong khi đó, “sức khoẻ” của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, khách sạn, vận tải… đã yếu đi rất nhiều từ 3 đợt dịch trước đó. Do đó, sự “chống cự” ở thời điểm này vô cùng yếu ớt.

Cần tiêu chí rõ ràng

Trong bối cảnh khó khăn như trên, việc ngành ngân hàng đưa ra những chủ trương giãn nợ, tái cơ cấu nợ… được kỳ vọng sẽ là giải pháp nâng đỡ, tháo gỡ khó khăn hơn cho người dân và các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt trong đợt dịch lần này.

Trước những kiến nghị được cơ cấu nợ, khoanh nợ của doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn cho rằng số lượng doanh nghiệp gửi đơn đến ngân hàng xin được giảm lãi vay và khoanh nợ rất lớn.

Tuy nhiên ngân hàng phải xem xét từng trường hợp cụ thể để có đồng ý hay không. Bởi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, dòng vốn cho vay phải huy động từ dân, nên ngân hàng kinh doanh phải đảm bảo sự an toàn và sinh lời của dòng tiền.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cho rằng, để tạo thuận lợi cho ngân hàng thực hiện chủ trương giãn nợ, cơ cấu nợ, NHNN cần có tiêu chí cụ thể để các nhà băng dễ dàng thực hiện giãn nợ cho khách hàng, và giúp chính sách ưu đãi đến đúng đối tượng.

Đồng tình, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính sách giãn, tái cơ cấu nợ về nguyên tắc chỉ áp dụng cho các khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu không có tiêu chí rõ ràng thì các ngân hàng thương mại có thể sẽ thực hiện không giống nhau và có thể có yếu tố chủ quan khi xác định đối tượng.

Việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì việc giãn nợ nếu thực hiện chủ quan và dễ dãi, không đúng đối tượng có thể dẫn đến những ảnh hưởng khác, ví dụ sẽ làm cho báo cáo tài chính của các ngân hàng trở nên đẹp hơn về mặt hình thức (nhưng hoạt động ngân hàng không tốt lên về bản chất).

Ông Hiếu cho biết, có những khoản nợ bình thường lẽ ra xếp ở nhóm 4, nhóm 5; nhưng khi ngân hàng thực hiện tái cơ cấu cho giãn nợ thì các khoản nợ này sẽ được xếp lên các khoản nợ nhóm 1, nhóm 2.

Theo đó, khi thay đổi nhóm nợ từ nhóm rủi ro cao lên nhóm rủi ro thấp hơn thì lợi nhuận của các ngân hàng “bỗng nhiên” tăng lên trên sổ sách do các ngân hàng không phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ đã được “nhấc” từ nhóm này sang nhóm khác như trên.