Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng - Trường Cao đẳng Thương mại

Phát hành chứng khoán trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng có thể thu hút lượng vốn rất lớn, đáp ứng nhu cầu vốn cần thiết trong từng giai đoạn phát triển của các ngân hàng thương mại cổ phần. Bài viết trao đổi về thực trạng phát hành chứng khoán ngân hàng trong thời gian qua và đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhu cầu huy động vốn trong bối cảnh hội nhập

Với việc mở cửa hội nhập trong lĩnh vực thị trường ngân hàng, tài chính, sự tham gia của các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức tài chính nước ngoài với tiềm lực tài chính, kỹ thuật hiện đại và kinh nghiệm lâu năm đã tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt với các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.

Nhằm phục vụ nhu cầu phát triển và có thể cạnh tranh được với các TCTD, tổ chức tài chính nước ngoài, thời gian quan, các NHTM Việt Nam đã không ngừng cải thiện về công nghệ, quản lý điều hành, đặc biệt đưa ra các chiến lược phát triển.

Nhờ đó, cùng với các ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hầu hết NHTM trong nước, đặc biệt là các NHTM cổ phần đã tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của toàn hệ thống NHTM đã đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 17,62% so với cuối năm 2016.

Trong khi bảng xếp hạng về vốn tự có đã có nhiều thay đổi, khoảng cách giữa những ngân hàng tư nhân top đầu với các ngân hàng quốc doanh về vốn điều lệ đang rút ngắn hơn thì khoảng cách về tổng tài sản vẫn rất cách biệt. Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của các NHTM nhà nước nhanh hơn với 18,34% trong năm 2017, trong khi các ngân hàng cổ phần tư nhân là 16,69%.

Từ trước đến nay, quy mô tài sản của các NHTM nhà nước vẫn luôn dẫn đầu và chiếm phần lớn trong hệ thống. Đến hết năm 2017, chưa tính đến Agribank (không phải ngân hàng cổ phần) thì riêng BIDV, VietinBank, Vietcombank đã có tổng tài sản là 3,33 triệu tỷ đồng, chiếm đến 46% hệ thống NHTM cổ phần...

...

Hoạt động phát hành cổ phiếu của các ngân hàng thương mại

Theo thống kê từ NHNN đến cuối tháng 5/2018, Việt Nam có 31 NHTM cổ phần, trong đó có 16 NHTM cổ phần đang niêm yết trên cả 03 sàn HSX, HNX và UPCoM. Sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán đã đáp ứng được nhu cầu huy động vốn của hệ thống NHTM thông qua phát hành cổ phiếu.

Vào những năm 2006-2007, trên thị trường chứng khoán, chỉ có cổ phiếu STB của Sacombank phát hành và niêm yết trên HSX và ACB của NHTM cổ phần Á Châu phát hành và niêm yết trên HNX.

Thời điểm đó, Sacombank phát hành với số lượng là 189.947.299 cổ phiếu, trong khi NHTM cổ phần Á Châu phát hành lần đầu với khối lượng là 110.004.656 cổ phiếu. Những năm sau đó, các NHTM cổ phần khác bắt đầu phát hành và các cổ phiếu ngân hàng được xem là cổ phiếu vua.

Rất nhiều các cổ phiếu ngân hàng được phát hành như VCB của Vietcombank, CTG của Vietinbank, BID của BIDV, ACB của NHTMCP Á Châu… trở thành những cổ phiếu săn đón của của nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân.

Đến nay, số lượng các NHTM phát hành cổ phiếu đã tăng lên đáng kể, thu hút được lượng vốn lớn, giúp ngân hàng mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh theo kịp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam, các NHTM phát hành chủ yếu là cổ phiếu để huy động vốn nguồn vốn chủ sở hữu phục vụ chiến lược phát triển lâu dài cho ngân hàng. Theo các chuyên gia tài chính, hoạt động phát hành cổ phiếu của các NHTM cổ phần có nhiều lợi thế hơn các doanh nghiệp thông thường khác do bởi tính chuyên nghiệp cao, uy tín lớn trên thị trường tài chính, có nhiều mối quan hệ và có thể tự đứng ra phát hành làm giảm chi phí huy động vốn.

Các NHTM cổ phần khi phát hành cổ phiếu thường chọn phương thức phát hành ra công chúng vì nhiều lợi ích hơn, trong tổng số khối lượng cổ phiếu phát hành chiếm đến 93,48%.

Thời gian qua, nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động của các ngân hàng rất lớn, do vậy các ngân hàng đã chọn phương thức phát hành ra công chúng để tăng vốn nhanh, tạo ra hình ảnh đẹp và sự nổi tiếng của ngân hàng, thu hút khách hàng, ít chi phí hơn trong việc huy động vốn qua phát hành ở những lần tiếp theo.

Với hơn 761.356 tỷ đồng tính đến năm 2017 mà các NHTM cổ phần đã huy động được qua việc phát hành cổ phiếu đã cho thấy việc huy động vốn qua kênh này là rất lớn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng và sự phát triển kinh tế đất nước.

...

Một số vấn đề đặt ra

Hệ thống ngân hàng Việt Nam thường bị đánh giá tiềm lực về vốn còn hạn chế, vốn sở hữu quá nhỏ so với các ngân hàng lớn trên thế giới và trong khu vực. Vốn mỏng khó có thể giúp các NHTM mở rộng đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, không thể mở rộng được thị phần, khó đầu tư vào sản phẩm mới, từ đó giảm sức cạnh tranh. Như vậy, việc tăng vốn là giải pháp cần thiết để các ngân hàng có điều kiện hội nhập tốt hơn, mở rộng phạm vi hoạt động trên thị trường quốc tế và tăng sức cạnh tranh với các ngân hàng khác. Trong đó, huy động vốn qua thị trường chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, để tận dụng tốt kênh huy động vốn này, các NHTM cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, để tăng vốn cho các ngân hàng, việc quan trọng hàng đầu của Nhà nước hiện nay là cần phải mở rộng giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng trong nước. Việc mở rộng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ là động lực để thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Một số ý kiến cho rằng, cần cho phép được sở hữu 30% đối với NHTM khá, 51% đối với ngân hàng trung bình và thậm chí 100% đối với những ngân hàng yếu kém.

Hai là, tùy theo mức độ kiểm soát sở hữu của Nhà nước từ nay đến năm 2020 các ngân hàng cần có lộ trình tăng vốn một cách thận trọng, tránh tình trạng tăng vốn ồ ạt, vì việc tăng vốn quá nhanh có thể xảy ra những cú sốc đối với chính ngân hàng đó. Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu cũng cần dựa trên yếu tố thuận lợi của kinh tế vĩ mô để có thể đạt hiệu quả cao nhất.

...

Bài viết chi tiết mời độc giả xem trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 tháng 7/2018.