Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng lớn USD để củng cố dự trữ ngoại hối

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn khá dồi dào nhờ tỷ giá tại các ngân hàng thương mại giảm, cùng với đó cán cân thương mại hàng hoá trong 2 tháng đầu năm xuất siêu, điều này tạo thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tin được SSI Research đề cập trong bản tin vừa cập nhật cho biết, hiện nay nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn khá dồi dào.

Cụ thể, tại Việt Nam, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn duy trì ở mức cao (ước khoảng 6,3 triệu đồng/lượng), tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng thêm 50 đồng/USD chiều mua vào và 40 đồng/USD chiều bán ra, lên mức 23.820 và 23.870 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá niêm yết của các NHTM giảm 5 đồng/USD, xuống 22.890/23.100.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, lũy kế 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước đạt 2,5 tỷ USD, vẫn tăng khoảng 2% so với cùng kỳ 2020; cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD (so với cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD).

Bởi vậy, SSI Research cho biết, các ngân hàng thương mại đã bán kỳ hạn một lượng lớn ngoại tệ cho NHNN trong tháng 1/2021.

Theo ước tính, trong năm 2021 dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 21 tỷ USD và chạm mốc 100 tỷ USD, tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu.

Tuy nhiên, sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, cơ quan này đã bất ngờ thay đổi chính sách trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2020, từ mua giao ngay USD sang mua giao kỳ hạn 6 tháng có huỷ ngang. Như vậy, NHNN sẽ không tiến hành mua ngay ngoại tệ mà mua kỳ hạn.

Do đó, các ngân hàng cần phải chủ động liên hệ trực tiếp với NHNN trong trường hợp trạng thái ngoại tệ dương lớn và nếu được phép tiến hành thì hoạt động mua giao ngay USD có thể chỉ diễn ra theo từng trường hợp cụ thể.

Trước đó, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 7/1/2021 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2021, một trong những nội dung quan trọng là triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.