Nhà đầu tư ngoại xếp hàng chờ sở hữu ngân hàng 0 đồng

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng 0 đồng.

Nhà đầu tư lớn nước ngoài quan tâm đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nguồn: Internet
Nhà đầu tư lớn nước ngoài quan tâm đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nguồn: Internet

Trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) có 3 ngân hàng yếu kém đã bị mua lại toàn bộ cổ phần giá 0 đồng là Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank).

Sau khi mua lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển đổi thành ngân hàng TNHH 100% vốn nhà nước, cử người của Vietcombank và VietinBank vào hỗ trợ, đồng thời đổi tên VNCB thành CBBank và đổi nhận diện thương hiệu của GP.Bank.

"Đại gia" ngoại mặn mà

Việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam không còn là câu chuyện mới, song gần đây sự quan tâm của các "đại gia" ngoại trở nên rõ nét hơn, quyết liệt hơn.

Theo các chuyên gia, yếu tố chính để nhà đầu tư nước ngoài quyết định "xuống tiền" đầu tư vào ngân hàng Việt là vì những cải thiện về chất lượng tài sản (chủ yếu do tiến trình xử lý nợ xấu diễn biến tích cực), thanh khoản ổn định, lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng mạnh…

Bên cạnh đó là những đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực" và tiếp tục duy trì trong những năm tới của các tổ chức tín nhiệm quốc tế.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đạt mức bền vững, các nỗ lực tái cơ cấu đạt kết quả tích cực là các điều kiện giúp Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngay trong tháng 3, có hai tập đoàn lớn nước ngoài là Clermont (Singapore) và J Trust (Nhật Bản) đã bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể là muốn tham gia quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam.

J Trust bày tỏ quan tâm được tham gia cơ cấu lại CBBank, không chỉ tham gia về vốn mà cả công nghệ hỗ trợ nghiệp vụ. Tập đoàn này mong muốn Chính phủ, NHNN Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán và giao dịch thành công, từ đó tạo tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Không nêu cụ thể mong muốn được tham gia ngân hàng nào như J Trust, Tập đoàn Clermont bày tỏ muốn tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam để góp phần vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trước đó, trong năm 2017 cũng đã có những chia sẻ cho thấy đã có nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn 2 trong việc soát xét đánh giá lại toàn diện Ocean Bank, trong khi GPBank và CBBank cũng đã có những nhà đầu tư trong và ngoài nước bước đầu đặt vấn đề tham gia tái cơ cấu, mua lại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thương vụ nào hoàn tất.

Lợi cả đôi đường

Liên quan đến đề xuất tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng của đối tác ngoại, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, dù các ngân hàng nước ngoài đã có thể thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, song để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra vài nghìn tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước nhưng có được mạng lưới lẫn đội ngũ nhân sự và khách hàng sẵn có thì nhà đầu tư nước ngoài không ngần ngại.

Trong khi đó, đối với NHNN, để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, việc bán cho nhà đầu tư ngoại có tiềm lực sẽ đẩy nhanh được quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nhiều so với thời điểm trước đây, nhưng các ngân hàng nội vẫn đang trong quá trình nâng cao "sức khoẻ" và năng lực cạnh tranh khi đang phải hoàn tất quá trình đáp ứng những quy định của NHNN.

Vì vậy, việc hỗ trợ một ngân hàng yếu kém sẽ là "gánh nặng" cho ngân hàng nội, còn khả năng mua lại ngân hàng 0 đồng là vô cùng khó khăn.

Tại buổi làm việc với J Trust mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định mong muốn của Tập đoàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và quản trị, mua lại và phát triển các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, trong đó có CBBank.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam muốn tìm đối tác chuyển nhượng hay cả hình thức bán lại CBBank cho các đối tác để cơ cấu lại ngân hàng này. Phó Thủ tướng đề nghị J Trust nghiên cứu, trao đổi với CBBank và NHNN Việt Nam về phương án chào bán, trên cơ sở đó, NHNN sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giải quyết.

Ngoài CBBank, Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh J Trust tham gia việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng khác tại Việt Nam.

Trước đề xuất của hai tập đoàn Clermont và J Trust, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.