Thúc đẩy dịch vụ ngân hàng số - ''lợi cả đôi đường''

The Hà Linh/hanoimoi.com.vn

Tiếp tục thúc đẩy dịch vụ ngân hàng số phát triển, các ngân hàng đang dần thích nghi với hoàn cảnh hạn chế tiếp xúc do dịch COVID-19. Với chiến lược này, ngành Ngân hàng "lợi cả đôi đường" khi vừa hạn chế được nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vừa tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở Việt Nam, gần như tất cả ngân hàng trong hệ thống đều “chạy đua” với dịch vụ ngân hàng số. Với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có ứng dụng ngân hàng số Digibank. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có chiến dịch chuyển đổi số "BIDV Digi Up", công bố nhiều dự án chuyển đổi số.

Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Bán lẻ và Trung tâm Ngân hàng số BIDV Nguyễn Thị Quỳnh Giao cho biết, trong quá trình chuyển đổi số, ngân hàng đã lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác và cộng hưởng với đối tác để tạo giá trị tốt nhất cho hai bên.

Thời gian gần đây, các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ trực tuyến (online) của khách hàng cũng dần trở thành thói quen. Hiện, hàng loạt ứng dụng Mobile banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu bảo đảm an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Từ Tiến Phát cho biết, nhờ chuyển đổi số, ngân hàng có số lượng giao dịch tăng gấp đôi trong 8 tháng năm 2021 và 10.000 tài khoản mới mỗi ngày mở qua phương thức định danh khách hàng trực tuyến (eKYC).

Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lại có chương trình ưu đãi cho khách mở tài khoản trực tuyến. Hay như Ngân hàng Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) có nhiều dịch vụ ngân hàng số nhằm hỗ trợ khách hàng có thể giao dịch thông suốt trong mùa dịch, tiết kiệm chi phí.

Theo các chuyên gia, việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng để có hiệu suất cao hơn thông qua chuyển đổi số đã được hệ thống ngân hàng lựa chọn để tăng tốc bất chấp cú sốc dịch Covid-19. Đây là một trong những điểm sáng của cuộc khủng hoảng này khi thương mại và dịch vụ đã ngày càng số hóa để ứng phó với các chính sách giãn cách xã hội.

Chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định. Theo đó, kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%; chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030; chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động: Đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%...