Ngân sách khó khăn vẫn đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách
Tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 5/11/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu làm rõ các nội dung về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025.
Số thu ngân sách phản ánh khó khăn của nền kinh tế
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu NSNN năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành hoặc vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Dự toán được xây dựng trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.
Tuy nhiên, bước vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả ngành, lĩnh vực và việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, diễn biến bất thường của thiên tai ngay từ đầu năm như mưa đá, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long; mưa lũ, ngập lụt ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí...
"Các chính sách này góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp NSNN, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tỷ lệ vốn cho doanh nghiệp" - Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, số thu ngân sách 10 tháng năm 2020 đã phản ánh rõ những khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Ước thu NSNN năm 2020 giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng (12,5%) so với dự toán dẫn đến thu 5 năm 2016-2020 ước giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch.
Đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách
Trong bối cảnh nguồn thu gặp khó khăn, Chính phủ vẫn phải tăng chi phòng chống thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ thêm về an sinh xã hội. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã chi khoảng 19 nghìn tỷ đồng cho các công tác phòng, chống và hỗ trợ người dân do đại dịch Covid-19 từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi từ năm 2019 chuyển sang. Đồng thời, NSNN cũng đã chi khoảng 12,5 tỷ đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi.
Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như: miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí... Các chính sách này góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp NSNN.
Về hỗ trợ khắc phục thiên tai, bão lũ, Chính phủ đã hỗ trợ 382 tỷ đồng cho 11 địa phương miền núi phía Bắc để khắc phục thiệt hại do mưa đá, dông lốc, sạt lở đất; hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ trưởng cho biết, đối với ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung, Tây Nguyên trong tháng 10/2020, bước đầu ngân sách trung ương đã hỗ trợ 500 tỷ đồng cho 5 địa phương miền Trung; dự kiến ngân sách trung ương tiếp tục chi thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại về nhà ở do tác động của thiên tai, mưa, bão, lũ gây ra trong tháng 10/2020 cho người dân một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Để đảm bảo cân đối NSNN, Chính phủ đã triển khai các biện pháp tiết kiệm chi như: cắt giảm tối thiểu 70% công tác phí trong nước, nước ngoài, tiết kiệm thêm 10% kinh phí thường xuyên ngoài lương và các khoản tiết kiệm khác. Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép tăng bội chi NSNN năm 2020 khoảng 95 - 133,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bội chi khoảng 4,99 - 5,59%GDP, nợ công ước khoảng 56,8 - 57,4%GDP.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, các chỉ tiêu về tài chính - ngân sách giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25 của Quốc hội cơ bản hoàn thành. Nhờ dư địa tài khóa tích lũy qua 4 năm (2016 - 2019) do thực hiện tái cơ cấu lại NSNN, quản lý an toàn nợ công nên ngân sách vẫn đảm bảo yêu cầu chi tiêu cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng an ninh và đảm bảo nguồn cho đầu tư phát triển theo dự toán năm 2020 để kích cầu trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. “Đây có thể coi là điểm sáng của công tác tài chính – NSNN trong giai đoạn 2016-2020” - Bộ trưởng nhấn mạnh.