Ngân sách nhà nước ưu tiên thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển thủy sản
Ngân sách nhà nước ưu tiên thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển thủy sản là một trong những giải pháp chính sách đáng chú ý mà Chính phủ đề ra để thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quyết định số 339/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/03/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Đến năm 2045, phấn đấu Thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển…, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tại Chiến lược này, Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0-4,0%/năm; Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD; Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước…
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, nhiều giải pháp được tập trung thực hiện lnhư: phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Phát triển thị trường, hội nhập quốc tế; Nâng cao năng lực chế biến thủy sản; Tổ chức sản xuất…
Đặc biệt, các chính sách về tài chính, tín dụng và thương mại sẽ được xây dựng và hoàn thiện để hỗ trợ phát triển thủy sản. Cụ thể, chính sách ưu đãi thuế, phí đối với các hoạt động trong các lĩnh vực của ngành thủy sản; các chính sách bảo hiểm, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu cá và thuyền viên; người lao động và cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ được hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả nhằm tạo điều kiện phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia.
Về tín dụng đầu tư phát triển, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.