Ngành cao su nỗ lực tăng cạnh tranh từ tăng năng suất, chất lượng

Tĩnh Đồng

Nhiều doanh nghiệp ngành cao su ngày càng chú trọng hơn tới triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng sức cạnh tranh.

Tháng 1/2025, xuất khẩu cao su giảm 23,7% về lượng nhưng vẫn tăng 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Internet
Tháng 1/2025, xuất khẩu cao su giảm 23,7% về lượng nhưng vẫn tăng 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Internet

Xuất khẩu giảm mạnh về lượng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, tháng 1/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 160.632 tấn, trị giá 298,68 triệu USD, giảm 23,7% về lượng nhưng vẫn tăng 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước nhờ giá duy trì ở mức cao.

Trong tháng 1/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều giảm so với tháng 12/2024. Còn so với tháng 1/2024, lượng cao su xuất khẩu sang các thị trường Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ tăng rất mạnh, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… lại giảm.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 78,7% về lượng và 78,1% về trị giá, với khối lượng đạt 126.384 tấn, trị giá 233,3 triệu USD, giảm 24,7% về lượng nhưng tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt 1.846 USD/tấn, tăng 33%.

Trong khi đó, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc cũng giảm mạnh 66,6% và 54% so với cùng kỳ năm 2024, lần lượt đạt 3.934 tấn và 2.452 tấn.

Malaysia vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của nước ta trong tháng 1/2025, với khối lượng tăng gấp 8,4 lần và trị giá tăng 9,4 lần so với tháng 1/2024, đạt 6.605 tấn, trị giá 10.095 tấn...

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Trung Quốc đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô tô, dẫn đến nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su sơ chế, tỷ trọng xuất khẩu cao su chế biến sâu rất thấp.

Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã

Những năm gần đây, thị trường cao su đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng về ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng. Nhu cầu về cao su thiên nhiên cùng gỗ cao su có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng và mở rộng.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành cao su.

Những xu hướng trên đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong ngành cao su Việt Nam cần phải thực hiện các quá trình chuyển đổi nhanh chóng hơn nữa nhằm thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành cao su ngày càng chú trọng hơn tới việc triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng sức cạnh tranh. Công ty cổ phần VRG Khải Hoàn (đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trụ sở tại tỉnh Bình Dương) là một ví dụ điển hình.

Hiện tại, công ty sản xuất các sản phẩm chính như găng tay cao su có bột, không bột và găng tay cao su phẫu thuật tiệt trùng. Với mong muốn đưa chất lượng sản phẩm lên hàng đầu để bảo vệ đôi bàn tay quý giá của mỗi y bác sỹ khi làm việc, trong suốt quá trình hoạt động, công ty đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Song song đó, doanh nghiệp cũng không ngừng nâng cao hệ thống quản lý chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm và cung cách phục vụ, chăm sóc khách hàng. Doanh nghiệp này đã và đang duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; ISO 13485:2016; hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ISO 22000:2005, hệ thống trách nhiệm xã hội SA 8000:2014, thực hành sản xuất tốt GMP cho các sản phẩm của mình…