Ngành dịch vụ tài chính tiên phong trong chuyển đổi số

Theo Thùy Lê/baokiemtoannhanuoc.vn

Trong thời kỳ số hóa được đẩy mạnh và diễn biến phức tạp của đại dịch gây áp lực lên chi phí kinh doanh, việc duy trì văn hóa đổi mới và tăng tốc chuyển đổi số sẽ cho phép các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính (DVTC) Việt Nam dẫn đầu cuộc chơi và đảm bảo tính cạnh tranh trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Công nghệ đang tái định hình nguồn nhân lực ngành Dịch vụ tài chính

Theo nghiên cứu của PwC về “Nâng cao kỹ năng số trong ngành Dịch vụ tài chính: Bước kế tiếp?”, 97% các thành viên thuộc ban lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ tài chính tin rằng công nghệ sẽ đem lại ảnh hưởng tích cực đến triển vọng công việc trong tương lai.

Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đang xem những thay đổi do công nghệ đem lại có khả năng ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả công việc của họ.

Ngoài ra, 50% những người tham gia khảo sát trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ tài chính dự đoán rằng công việc của mình sẽ thay đổi đáng kể trong 10 năm tới. Con số này cho thấy những người đứng đầu doanh nghiệp đang nhận thức rõ hơn so với các nhóm còn lại về những biến động trong thời gian tới (Quản lý cấp trung và chuyên gia - 30%, nhân viên văn phòng - 41%).

Cũng theo khảo sát, 49% người được hỏi thể hiện mong muốn trau dồi thêm kiến thức để áp dụng hiệu quả các công nghệ mới. Thêm vào đó, 38% cho rằng họ sẵn sàng nâng cao kỹ năng để có thể sử dụng thành thạo một công nghệ cụ thể.

Nguồn: PwC
Nguồn: PwC

So với mặt bằng khảo sát chung, ngành DVTC tỏ ra ít quan tâm hơn về việc cải thiện kỹ năng mềm (7%) và kỹ năng kinh doanh (6%). Sự khác biệt đáng kể này xuất phát từ việc ngành Dịch vụ tài chính đang tập trung theo đuổi các xu hướng công nghệ như: chuyển đổi số, tăng cường trải nghiệm người dùng, thanh toán phi tiền mặt…

“Công nghệ đang tái định hình nguồn nhân lực của ngành Dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng. Để triển khai công nghệ một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần bắt đầu tập trung đảm bảo yếu tố con người và công nghệ có thể bổ trợ và vận hành tốt cùng nhau” - bà Đinh Hồng Hạnh - Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định.

Nâng cao kỹ năng và cải thiện năng lực nội bộ

Với những biến động cận kề, vấn đề quan trọng đặt ra đối với ngành Dịch vụ tài chính là cách thức nâng cao kỹ năng áp dụng công nghệ. Các chuyên gia của PwC cho rằng, chương trình nâng cao kỹ năng hiệu quả cần bắt đầu với sự thấu hiểu rõ ràng về mối quan hệ giữa tự động hóa, hiệu suất công việc và cải thiện năng lực nội bộ. Theo đó, nâng cao kỹ năng, năng lực cho nhân viên là việc cần thiết để xây dựng lực lượng lao động có khả năng sử dụng và tạo ra công nghệ mới.

Theo khảo sát, 54% người đang làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn cho biết họ có nhiều cơ hội để nâng cao kỹ năng tại nơi làm việc. Con số này tại nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 200 nhân viên) là 40% và doanh nghiệp quy mô tầm trung (200-500 nhân viên) là 33%. Đây là minh chứng cho việc ngành Dịch vụ tài chính Việt Nam đã và đang nắm giữ vai trò chủ động, kiến tạo hành trình nâng cao năng lực nội bộ để đảm bảo nguồn nhân lực có thể thích ứng và thành công trong tương lai.

Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng đang tự nỗ lực trang bị kỹ năng cho bản thân. 62% người được khảo sát trong ngành Dịch vụ tài chính cho biết mỗi cá nhân có trách nhiệm trong việc đào tạo và trau dồi kỹ năng, trong khi mức khảo sát mặt bằng chung chỉ 55%. Đồng thời, 41% nhân viên thuộc ngành Dịch vụ tài chính cho biết họ đang tự học thêm những kỹ năng mới để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả.

Nguồn: PwC
Nguồn: PwC

Nhìn chung, từ góc độ cá nhân và cả doanh nghiệp, ngành Dịch vụ tài chính của Việt Nam đã có những bước tiến rõ ràng và đáng kể trong hành trình nâng cao kỹ năng, cải thiện năng lực nội bộ. Với nhiều biến động và những tác động đến từ tự động hóa trong tương lai gần, những nỗ lực hiện nay cho thấy ngành Dịch vụ tài chính đang tiên phong trong cuộc đua chuyển đổi số.

Xây dựng một chiến lược bao quát hơn

Báo cáo của PwC nhấn mạnh rằng: Để duy trì và đảm bảo thành công trong tương lai, việc nâng cao năng lực cần được tiếp cận từ nhiều góc độ: mỗi cá nhân, từng doanh nghiệp và một chương trình bao quát trên phạm vi toàn ngành. Theo đó, có ba cách để tiếp tục nâng cao năng lực cho ngành Dịch vụ tài chính:

Áp dụng song hành nâng cao và đào tạo lại kỹ năng: Xác định chính xác những kỹ năng cấp thiết để thành công trong tương lai là một thử thách lớn đối với lãnh đạo doanh nghiệp. Mặc dù việc nâng cao năng lực để trang bị cho tương lai là rất quan trọng, các cá nhân cũng cần được đào tạo lại các kỹ năng để đảm bảo thích ứng tốt trong hiện tại đầy biến động.

Hợp tác hiệu quả: Các nhu cầu về nguồn lực đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dịch vụ tài chính. Với tầm quan trọng thiết yếu của ngành này đối với nền kinh tế cả nước, Chính phủ có thể hợp tác cùng với ngành Dịch vụ tài chính để tìm ra các giải pháp dài hạn trong việc tiếp cận các vấn đề về nâng cao kỹ năng và thu hẹp khoảng cách năng lực.

Thấu hiểu mối tương quan giữa đào tạo lại, năng suất công việc và tự động hóa: Chính phủ và các tổ chức dịch vụ tài chính có thể liên kết trong các chương trình tài trợ nhằm triển khai các sáng kiến về đào tạo lại năng lực gắn liền với tạo thêm việc làm và cải thiện năng suất. Nguồn nhân lực với đầy đủ những kỹ năng thiết yếu và hiệu quả có thể cải thiện năng suất doanh nghiệp đáng kể, từ đó đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước.

Đại dịch Covid-19 đã biến vấn đề về nâng cao năng lực từ một dự án nhân sự nội bộ trở thành một chiến lược cấp thiết có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của các doanh nghiệp và thay đổi cách thức làm việc. Bằng cách tận dụng và phát huy các nỗ lực đào tạo kỹ năng hiện nay, ngành Dịch vụ tài chính tại Việt Nam có khả năng đem lại những ảnh hưởng tích cực trong hành trình chuyển đổi số.