Ngành Dự trữ Nhà nước hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao
Triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao, trong năm 2022, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ DTQG
Ngay từ đầu năm 2022, thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao; các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) đã xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức giao nhiệm vụ, phân bổ, giao chỉ tiêu kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện.
Đến hết năm 2022, toàn ngành DTNN đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ đề ra. Cụ thể: Đối với việc thực hiện các đề án trình Thủ tướng Chính phủ: Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan hoàn thành việc xây dựng 02 đề án: Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, năm qua, Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính ban hành 01 Thông tư (Quy chuẩn xuồng (tàu) cao tốc DTQG), đã gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ về dự thảo Quy chuẩn xăng dầu DTQG của Bộ Công Thương; gửi lấy ý kiến 11 dự thảo Quy chuẩn hàng DTQG của Bộ Quốc phòng; phối hợp với Bộ Công an xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật của 3 nhóm hàng DTQG; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Quy chuẩn mặt hàng ray, dầm cầu đường sắt DTQG...
Đối với việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và dự toán NSNN: các bộ, ngành đã hoàn thành các thủ tục và triển khai tổ chức đấu thầu, mua nhập hàng và giải ngân theo đúng tiến độ đề ra. Riêng Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã nhập kho 214.000/220.000 tấn gạo, đạt 97% kế hoạch (số còn lại 6.000 tấn Tổng cục DTNN không thực hiện do thực hiện không đúng quy định của Luật Đấu thầu). Các đơn vị đã hoàn thành nhập kho 40.000 tấn/40.000 tấn, đạt 100% kế hoạch; đồng thời, hoàn thành việc giải ngân dự toán chi mua lương thực được giao.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã hoàn thành việc xuất bán, luân phiên đổi hàng của kế hoạch năm 2021 chuyển sang và kế hoạch năm 2022 theo đúng thời gian quy định, đạt 100% kế hoạch.
Đối với các bộ, ngành, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành việc xuất luân phiên đổi hàng 9 danh mục trang thiết bị và hoàn thành việc xuất giảm 9 mặt hàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành kế hoạch xuất luân phiên đổi hàng 7 danh mục mặt hàng.
Trong xuất cấp hàng DTQG, đến ngày 26/12/2022, Tổng cục DTNN đã giao các Cục DTNN khu vực xuất cấp 107.327 tấn gạo trị giá khoảng 1.287 tỷ đồng để hỗ trợ cho Nhân dân các địa phương.
Trong đó, số gạo xuất cấp gồm: Hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán năm 2022 cho 16 tỉnh là 13.959 tấn gạo; Hỗ trợ học sinh 42 tỉnh, thành phố là 67.223 tấn gạo; Hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 đầu năm 2022 cho 3 tỉnh là 1.869 tấn gạo; Hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai cho 4 tỉnh là 4.171 tấn gạo; hỗ trợ dự án rừng 9.534 tấn gạo cho 3 tỉnh; Xuất viện trợ cho Philippines 200 tấn gạo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện xuất cấp các mặt hàng DTQG với tổng giá trị khoảng 146,58 tỷ đồng. Các mặt hàng xuất cấp theo tiến độ luôn đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, kịp thời vận chuyển đến các địa phương để hỗ trợ Nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.
Việc bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG được đảm bảo theo đúng quy định. Đối với mặt hàng lương thực, Tổng cục DTNN đã hướng dẫn các đơn vị quản lý chất lượng, bảo quản và thường xuyên kiểm tra theo đúng quy trình. Đối với mặt hàng vật tư, thiết bị, đã thực hiện giám sát quy trình lấy mẫu để kiểm tra đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại cơ quan chuyên môn.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo quản và quản lý hàng DTQG, Tổng cục DTNN đã tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ theo đúng kế hoạch đề ra. Trong năm qua, Tổng cục đã ban hành Kết luận thanh tra công tác quản lý hàng DTQG tại Bộ Quốc phòng; hoàn thành và xem xét để ban hành kết luận thanh tra chuyên ngành về tiếp nhận, sử dụng hàng DTQG tại UBND tỉnh Nghệ An; triển khai thanh tra chuyên ngành về quản lý hàng DTQG tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, Tổng cục DTNN đã hoàn thành 01 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại Cục DTNN khu vực Thanh Hóa, 02 cuộc kiểm tra nội bộ gắn với kiểm tra phòng, chống tham nhũng tại Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên và Bắc Tây Nguyên. Việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc các kiến nghị có liên quan đến các tồn tại, hạn chế được chỉ ra.
Ngoài kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: (i) Một số cơ chế, chính sách về DTQG còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý DTQG, gây khó khăn cho quản lý, điều hành hoạt động DTQG; (ii) Một số mặt hàng triển khai kế hoạch còn chậm, dẫn tới việc đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh còn hạn chế; (iii) Các mặt hàng vật tư, thiết bị nhập kho DTQG phải tuân theo các Tiêu chuẩn kỹ thuật riêng, không có sẵn trên thị trường, phải nhập khẩu hoặc phải sản xuất sau khi ký hợp đồng; (iv) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật hàng DTQG một số mặt hàng do các bộ, ngành quản lý còn chưa có hoặc đã được ban hành từ lâu, hiện không còn phù hợp.
Khẩn trương thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2023
Trong năm 2022, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch DTQG năm 2022 và xây dựng kế hoạch DTQG năm 2023 của toàn Ngành để trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, trong đó có phê duyệt dự toán chi tăng DTQG năm 2023 của toàn Ngành.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 để các bộ, ngành thực hiện. Để hoàn thành nhiệm vụ DTQG năm 2023 được giao, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho việc quản lý trong lĩnh vực DTQG; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật DTQG; rà soát, xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG, trên cơ sở đó, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật. Rà soát, đánh giá danh mục hàng DTQG, trên cơ sở đó đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng DTQG phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ hai, đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai kế hoạch năm 2023 theo đúng quy định; đảm bảo quản lý NSNN chặt chẽ, hiệu quả.
Thứ ba, chuẩn bị tốt mọi nguồn lực DTQG; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời trình cấp có thẩm quyền xuất cấp hàng DTQG và chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với hoạt động DTQG.
Với tinh thần và trách nhiệm cao, tin tưởng rằng ngành DTNN sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng Ngành ngày càng phát triển vững mạnh.