Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười:
Ngành Dự trữ Quốc gia không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt
Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) do đồng chí Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN làm trưởng đoàn vừa đến thăm Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG).
Trong không khí ấm áp, Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười ôn lại truyền thống của ngành DTQG. Ông nhắc đến những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vượt qua mọi gian khó, dự trữ quốc gia đã hoàn thành xuất sắc công tác hậu cần để góp phần quan trọng vào thắng lợi của toàn dân tộc. Trầm ngâm một lát, ông nói về việc tăng cường lực lượng Dự trữ Quốc gia - thời kỳ ban hành Chỉ thị số 15/CT trong thời điểm có nhiều thách thức cả về điều kiện kinh tế cũng như cuộc đấu tranh về quan điểm phát triển DTQG, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao.
Với cương vị lúc đó là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi i sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn thông qua việc nhiều lần trực tiếp làm việc với lãnh đạo Cục DTQG (bây giờ là Tổng cục Dự trữ Nhà nước) và kiểm tra hoạt động của ngành. Năm 1986, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến tận kho dự trữ BO2 ở Đà Nẵng để kiểm tra và làm việc với lãnh đạo Ngành và địa phương về công tác dự trữ quốc gia. Từ thực tiễn đó, ngày 11/1/1988, Chỉ thị số 15/CT được ông ký ban hành đã tạo ra một động lực mới để ngành DTQG đưa các loại hàng hóa, vật tư thiết yếu vào dự trữ, tăng cường lực lượng dự phòng chiến lược về vật chất cho đất nước.
Đáp lại những câu chuyện tâm huyết ấy, Tiến sỹ Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã báo cáo với Nguyên Tổng bí thư những thành tích nổi bật của ngành trong 5 năm qua. Trước những yêu cầu mới, ngành DTQG đã thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia ngày càng năng động và hiệu quả qua việc chủ động tích cực xây dựng cơ chế chính sách về DTQG (Luật DTQG); linh hoạt trong công tác xuất, nhập hàng; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo quản hàng DTQG, đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng củng cố kho tàng để bảo quản hàng DTQG, tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về DTQG của các nước trên thế giới...
Trong đó, đặc biệt nổi bật là việc sử dụng nguồn lực DTQG để vừa sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh vừa thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao như xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh theo Quyết định 36, xuất cấp gạo hỗ trợ dự án trồng rừng, xuất cấp gạo hỗ trợ quốc tế…
Ở tuổi gần 100 nhưng nguyên Tổng bí thư vẫn vui vẻ, tinh anh. Nguyên tổng bí thư Đỗ Mười rất ấn tượng, đánh giá cao khi ngành DTQG đã kịp thời thực hiện tốt nhiệm vụ xuất cấp gạo cho học sinh ở vùng kinh tế khó khăn để các em được ấm bụng đến trường. Và cả những ngày áp Tết nữa, “trời lạnh giá mà vẫn nghe tin người dân nghèo vùng sâu vùng xa được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ để đón tết là niềm vui lớn đối với Đảng và Nhà nước”, Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười chia sẻ.
“Dù hiện nay tổng mức dự trữ quốc gia còn thấp, khoảng 0,30 % GDP nhưng ngành DTQG đã rất năng động thực hiện tốt nhiều chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là tinh thần phục vụ nhân dân trong bất kỳ tình huống đột xuất, cấp bách; luôn dốc sức, dốc lòng, không khác gì người lính. Tinh thần này cần tiếp tục được nêu cao khi đất nước còn nhiều gian khó trong công cuộc CNH- HĐH, dù điều kiện cơ sở vật chất của ngành, đời sống của cán bộ, viên chức còn nhiều khó khăn như hiện nay…”- Nguyên Tổng bí thư thân tình căn dặn.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tin tưởng rằng, toàn thể đội ngũ CBCC ngành DTQG phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm của ngành, đoàn kết, nhất trí, ra sức, đồng lòng tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của ngành, của đất nước, đặc biệt là sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập ngành DTQG.
Thay mặt Tập thể lãnh đạo, Đảng ủy cơ quan Tổng cục, những người làm công tác DTQG, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc đến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về những công lao to lớn của ông đối với đất nước nói chung và với ngành Tài chính và ngành DTQG nói riêng, kính chúc Nguyên Tổng bí thư mạnh khỏe, trường thọ; mong luôn được đón nhận những ý kiến quý báu của Nguyên Tổng Bí thư để DTQG ngày càng phát triển và lớn mạnh.
Ngành DTQG đã thực sự chuyển mình mãnh mẽ trên con đường phát triển và hội nhập. Trong sự phát triển đấy, ngành DTQG đã hòa chung trong thế và lực của ngành Tài chính, của đất nước, đã phát triển nhiều mặt về tổ chức, chế độ chính sách, hệ thống ngân sách Nhà nước... đã và đang hướng tới mục tiêu hiện đại hóa toàn ngành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục phấn đấu nhưng Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tin tưởng rằng, lực lượng cán bộ, công chức của ngành DTQG hiện nay, những người có “tâm”, có “tài” – sẽ tiếp tục công hiến, nỗ lực để góp phần xây dựng ngành DTQG lớn mạnh hơn nữa, xứng đáng với các thế hệ cha anh.