Ngành Hải quan quyết tâm đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại
TCTC Online - Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan là chống buôn lậu, chống gian lận thương mại. Trong những năm qua, bằng những nỗ lực, lòng quyết tâm cao độ Ngành đã phát hiện, ngăn chặn thành công nhiều vụ buôn lậu lớn, hàng hóa vi phạm có trị giá cao. Đây cũng là thành tích góp phần làm nên thành tích của ngành Hải quan.
Trong 05 năm vừa qua, Ngành Hải quan đã phát hiện bắt giữ 71.557 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2347,1 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2010, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn tiếp tục gia tăng và nhiều diễn biến phức tạp trên các tuyến trọng điểm, phương thức và thủ đoạn ngày càng mang tính chuyên nghiệp, hoạt động có đường dây, tổ chức bài bản. Nổi lên nhiều hiện tượng nổi cộm như nhập lậu súng, vi phạm hàng tạm nhập - tái xuất, nhập xe ô tô van, xe chở tiền, xe tự đổ, buôn bán động vật hoang dã,… Cụ thể, toàn Ngành đã phát hiện, bắt giữ 9.212 vụ việc vi phạm, với trị giá hàng hóa ước tính 205 tỷ 555 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2009, vụ việc vi phạm tăng 116,7%; Trị giá ước tính tăng 201%.
Trong 05 năm tới đây, từ kết quả công tác nghiệp vụ, cho thấy hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý, vũ khí, chất nổ, hàng xâm hại đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng,... Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều hơn những thủ đoạn lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách. Quy mô hoạt động buôn lậu cũng mở rộng và có tính tổ chức cao hơn.
Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ chính trị đòi hỏi Cơ quan Hải quan, bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về khả năng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện các hàng rào kỹ thuật, thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống khủng bố, chống ma tuý,... Đồng thời, phải thực hiện các chuẩn mực quốc tế của hải quan hiện đại, cũng như tăng cường khả năng hợp tác quốc tế, hỗ trợ lẫn nhau giữa hải quan các nước.
Cuộc chiến chống buôn lậu đang hết sức nóng ở nhiều tuyến biên giới, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ đầu tư để tăng cường năng lực chống buôn lậu. Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu trong ngành nắm vững diễn biến tình hình, chủ động phát hiện những xu hướng, hiện tượng buôn lậu trên tất cả các tuyến, địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị chuyên trách chống buôn lậu, cũng như cơ quan Hải quan các cấp, các địa phương. Từ đó đề ra các biện pháp phù hợp để đấu tranh thành công thu kết quả. Để tăng cường năng lực cho công tác chống buôn lậu, Ngành Hải quan đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp như:
Một là: Triển khai sâu rộng quản lý rủi ro đối với các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Đến nay, ngành Hải quan đã thành công trong việc đưa kỹ thuật quản lý rủi ro ứng dụng vào quy trình thủ tục hải quan. Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá tính đến nay giảm xuống chỉ còn 15% (so với năm 2005 là trên 60%). Thời gian thông quan đối với 01 lô hàng chỉ bằng 1/5-3/5 so với năm 2005. Do đó, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đồng thời, các mục tiêu về thực hiện kiểm soát, chống buôn lậu vẫn đảm bảo, tăng cường tính tuân thủ pháp của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan hiện nay là 55,26% (so với 15,69% năm 2006) đảm bảo việc kiểm soát chấp hành pháp luật hải quan (đảm bảo số lượng, tỷ lệ vụ việc phát hiện vi phạm pháp luật hải quan).
Hai là: Hình thành hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan tập trung, hiện đại, chất lượng cao.
Thông qua các biện pháp nghiệp vụ cơ bản như điều tra nghiên cứu nắm tình hình, cơ sở bí mật, sưu tra,... để hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ kiểm soát đầy đủ, có độ chính xác cao. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác phân tích, xử lý thông tin. Từ đó, các đơn vị kiểm soát hải quan có khả năng cung cấp thông tin phục vụ tốt cho áp dụng quản lý rủi ro đối với thông quan hàng hóa; cũng như chủ động nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn, phát hiện đối tượng trọng điểm để xác lập chuyên án đấu tranh.
Ba là: Tổ chức thực hiện có chiều sâu công tác nghiệp vụ cơ bản, đấu tranh có trọng điểm đối với buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng cấm, ma tuý, tiền chất, vũ khí, thuốc nổ, các tài liệu có nội dung xấu,...
Ngành đã phát hiện, ngăn chặn thành công nhiều vụ buôn lậu lớn, hàng hóa vi phạm có trị giá cao. Trong 05 năm vừa qua, Ngành đã phát hiện bắt giữ 71.557 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2347,1 tỷ đồng. Có được kết quả như vậy là do, lực lượng hải quan thường xuyên tiến hành công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình tại các địa bàn để kịp thời phát hiện những đối tượng trọng điểm, những vụ việc nổi cộm, có rủi ro cao. Đây là cơ sở để: Xây dựng phương án đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm; Chủ động dự báo tình hình, cảnh báo các phương thức thủ đoạn mới; Phát hiện đề xuất các biện pháp khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quy trình nghiệp vụ, chế độ, chính sách.
Bốn là: Triển khai hiệu quả các biện pháp cần thiết, thực hiện các cam kết quốc tế trong công tác thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan. Hiện nay, ngành Hải quan đang xây dựng chiến lược về thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại biên giới; xây dựng phương pháp và bộ tiêu chí quản lý rủi ro cho kiểm soát về sở hữu trí tuệ; xây dựng cơ sở dữ liệu hàng hoá liên quan vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới để sử dụng trong toàn Ngành. Đồng thời tăng cường hợp tác, ký kết thoả thuận hợp tác, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ giữa ngành Hải quan với các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, với các cơ quan chức năng.
Từ tháng 6/2010, ngành Hải quan đã thành lập đơn vị chuyên trách ở cấp Tổng cục là Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu. Tiến tới, lực lượng chuyên trách ở cấp cơ sở sẽ từng bước được kiện toàn.
Năm là: Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách. Xác định yếu tố con người quyết định mọi thành công, ngành Hải quan quyết tâm xây dựng lực lượng hải quan là lực lượng hoạt động có tính kỷ luật cao, thành thạo về trình độ nghiệp vụ chuyên môn theo chức trách được phân công, hoạt động minh bạch, liêm chính, có trình độ hiểu biết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác và làm chủ được các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, chúng tôi đã và đang tiếp tục phối hợp tốt với lực lượng Công An, Bộ Đội Biên Phòng, Tổng cục II - Bộ Quốc Phòng, Học viện kỹ thuật quân sự,... tổ chức đào tạo các chuyên ngành đặc thù của lực lượng chống buôn lậu.
Ngoài ra còn tạo điều kiện phát triển chất lượng cán bộ hải quan như tạo môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, áp dụng kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại, nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan và thực hiện nhiệm vụ hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và hài hòa với thông lệ, luật pháp quốc tế về hải quan. Tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước để cử cán bộ đi học tập, tham giá các hội nghị, hội thảo, tập huấn ở trong nước, ngoài nước để tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm cần thiết cho quá trình hiện đại hoá công tác hải quan.
Sáu là: Từng bước cơ cấu lại và trang bị mới các phương tiện, thiết bị chuyên dụng như tầu tuần tra, máy soi container, hệ thống camera giám sát,…; Huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý, chất nổ,... nhằm đáp ứng yêu cầu công tác kiểm soát nói chung và yêu cầu về đảm bảo an ninh quốc gia, phòng, chống khủng bố trong tình hình mới. Từ đầu năm 2010, đã đưa vào sử dụng hệ thống máy soi container tại cảng Cát Lái - Tp. Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực vào kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách và hiện đại hoá ngành Hải quan.