Ngành Hải quan: Thu ngân sách đạt kết quả khả quan

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Đến hết tháng 9/2014, số thu Ngân sách Nhà nước của toàn ngành Hải quan đạt khoảng 185.036 tỷ đồng, bằng 82,6% dự toán, tăng 15,6% (185.036/160.076 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2013. Đây là kết quả khả quan từ nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp chống thất thu mà cả ngành Hải quan đã triển khai từ những ngày đầu năm.

Ngành Hải quan: Thu ngân sách đạt kết quả khả quan
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng đã góp phần giúp số thu NSNN tăng. Nguồn: internet

Tác động từ yếu tố khách quan và chủ quan

Theo phân tích của Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), nguyên nhân ngành Hải quan đạt được số thu trên là bởi một số mặt hàng NK có kim ngạch lớn, thuế suất cao tăng so với cùng kỳ năm 2013 như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (tăng 21,2%), xăng dầu các loại (tăng 20,1%), sắt thép các loại (tăng 7,5%), ô tô nguyên chiếc các loại (tăng 90,3%), linh kiện và phụ tùng ô tô (tăng 26,5%), nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (tăng 25,3%), kim loại thường khác (tăng 17,1%)…

Kim ngạch XNK trong 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 216,79 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: kim ngạch XK ước đạt 109,63 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013; kim ngạch NK ước đạt 107,16 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Đây là những yếu tố khách quan giúp ngành Hải quan đạt được số thu NSNN tăng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên còn là yếu tố chủ quan của nội tại của ngành Hải quan. Bởi ngay từ những ngày đầu năm ngành Hải quan đã tập trung nguồn lực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện các biện pháp quản lý thu, chống thất thu NSNN như: Chống thất thu về giá, tăng cường kiểm soát giá NK đã được quy định tại cơ sở dữ liệu giá, tăng cường kiểm tra giá mặt hàng XK, phân loại hàng hóa xác định mức thuế, tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, đôn đốc thu hồi nợ thuế...

Cùng với đó là công tác phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong cơ quan Tổng cục trong công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu NSNN như Kiểm tra sau thông quan, Điều tra chống buôn lậu, Thanh tra... và đã đạt được kết quả đáng kể.

Trong công tác kiểm tra sau thông quan, đến ngày 31/8/2014 toàn Ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.680 cuộc, quyết định truy thu hơn  461,43 tỷ đồng (bao gồm cả ấn định thuế và phạt vi phạm hành chính), đã thực thu vào NSNN 438,33 tỷ đồng.

Riêng công tác chống buôn lậu, ngay từ đầu năm toàn ngành đã tập trung triển khai trọng điểm 8 chuyên đề và 4 kế hoạch hoạt động. Trong đó, có các chuyên đề về bảo vệ sản xuất trong nước đã giúp tăng thu cho ngân sách như: Chuyên đề kiểm soát hàng tạm nhập, tái xuất (điển hình là kiểm soát mặt hàng xăng dầu đã góp phần trực tiếp làm tăng kim ngạch NK có khai báo hải quan); chuyên đề kiểm soát hàng bách hóa Trung Quốc; chuyên đề xe ô tô NK là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương.

Đã có các chuyên đề bảo vệ an ninh, xã hội, an toàn và sức khỏe cộng đồng như: Chuyên đề kiểm soát thiết bị y tế đã qua sử dụng; chuyên đề kiểm soát hàng hóa NK không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ an toàn cộng đồng; kế hoạch tăng cường công tác ngăn chặn, bắt các mặt hàng cấm (súng, đạn, văn hóa phẩm, tài liệu cấm).

Công tác xử lý vi phạm cũng được thực hiện công khai, kịp thời và nghiêm minh, đã góp phần cảnh báo, răn đe, hạn chế hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Bên cạnh đó, với vai trò là Thường trực Ban 389 của Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã nhanh chóng tham mưu, triển khai hoạt động của Ban, từng bước chỉ đạo các cơ quan, địa phương tổ chức và phối hợp hoạt động có hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tính đến ngày 15-8-2014, các đơn vị trong Ngành đã phát hiện, bắt giữ 12.101 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 204,104 tỷ đồng, khởi tố 46 vụ án hình sự (cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 13 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 33 vụ), thu nộp NSNN 74,494 tỷ đồng.

Một trong những hoạt động mang lại nguồn thu là hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp chống thất thu. Cụ thể, thu của hàng TN-TX đến thời hạn chưa thực hiện XK, hợp đồng gia công đến thời hạn chưa thanh khoản, hàng SXXK đến thời hạn chưa thực hiện XK. Cùng với đó là kết quả của việc rà soát, chống thất thu qua thuế suất, số lượng, C/O, quản lý rủi ro phát hiện gian lận… đạt hơn 2.459 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thu hồi được nợ thuế của các tờ khai quá hạn phát sinh từ năm 2013 trở về trước là 1.203 tỷ đồng (tính đến ngày 15/9/2014).

Kiên trì với các biện pháp đã đề ra

Ông Nguyễn Ngọc Hưng- Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cho biết, năm 2014, ngành Hải quan được giao dự toán thu NSNN là 224 nghìn tỷ đồng. Triển khai nhiệm vụ này, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương theo dõi, quản lý sát tình hình thu nộp NSNN, xử lý kịp thời vướng mắc về chế độ chính sách thuế ảnh hưởng tới quản lý thu nộp NSNN, đưa ra các giải pháp chống thất thu, tăng thu NSNN... Không chỉ dừng lại ở con số trên, Tổng cục đã yêu cầu các đơn vị phấn đấu thu tối thiểu toàn ngành phải đạt 235 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được số thu này, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, ngành Hải quan vẫn tiếp tục kiên trì với các biện pháp đã đề ra như: Theo dõi, phân tích kết quả thu đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả, chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu, phát hiện kịp thời các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng, loại hình kinh doanh còn thất thu để có biện pháp quản lý thu phù hợp;

Đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế; Kiểm tra sau thông quan; Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hóa, xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng có dấu hiệu kim ngạch bất thường, thuế suất cao;

Tiếp tục triển khai, mở rộng kết nối với các ngân hàng thương mại để tạo thuận lợi tối đa cho việc thu và nộp thuế, hoàn thiện triển khai mở rộng cổng thanh toán điện tử, nâng cấp hệ thống sử dụng bảng kê điện từ có gắn chữ ký số, nâng cấp hệ thống trao đổi thông tin với ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước;

Xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro, đảm bảo thông tin quản lý rủi ro có hiệu quả đối với từng khâu nghiệp vụ. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó đặc biệt chú trọng các DN có rủi ro cao về thuế, các DN TN-TX... Phối hợp với các cơ quan liên quan: Thuế, Ngân hàng kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai hải quan và kê khai thuế đối với DN có rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN;

Triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia tạo thuận lợi cho hoạt động XNK;

Tăng cường kiểm soát hải quan, phòng chống buôn lậu. Thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, các chất ma tuý qua biên giới trong điều kiện môi trường thông quan điện tử;

Tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế, tập trung kiểm tra, hướng dẫn cơ quan Hải quan địa phương thực hiện việc quản lý, miễn thuế hàng hóa thuộc dự án ưu đãi đầu tư đảm bảo hàng hóa trong nước đã sản xuất được thì không được miễn thuế theo đúng quy định nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Thực hiện kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, giám sát chặt chẽ hàng hóa XK, kịp thời ngăn chặn hành vi xuất khống hàng hóa nhằm mục đích chiếm đoạt tiền thuế GTGT thông qua khấu trừ, hoàn thuế.