Ngành hàng kinh doanh bán lẻ năm 2021: Thích nghi trạng thái bình thường mới

Theo Thanh Tâm/congthuong.vn

Nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh đã thực hiện khảo sát 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc về tình hình kinh doanh năm 2021, kết quả cho thấy, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh năm 2021, đặc biệt trong ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh trở thành phương án được sử dụng nhiều nhất. Song song với đó, sự chuyển dịch hình thức thanh toán và vận chuyển trở thành điểm nhấn trong ngành bán lẻ.

Phương án thích nghi mới

So với năm 2019 và 2020, giải pháp được các nhà bán lẻ 2021 ưu tiên lựa chọn là đẩy mạnh bán hàng trên các trang thương mại điện tử và nền tảng trực tuyến. Biện pháp ứng phó với giãn cách xã hội phổ biến nhất năm 2021 là chuyển đổi kinh doanh từ offline lên online (chiếm 72,8%), tăng 9% so với năm 2020 (63,8%). Tỷ lệ nhà bán hàng chỉ chú trọng kinh doanh offline, không kinh doanh online giảm từ 36,2% (năm 2020) xuống 20,9% (năm 2021).

Sau 2 năm chống chọi với COVID-19, các nhà bán hàng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và biện pháp ứng phó hiệu quả trong ngành bán lẻ. Trong đó, biện pháp ứng phó với tình huống tương tự giãn cách xã hội được các nhà bán hàng ưu tiên lựa chọn là: Áp dụng quy trình vận hành mới, tương ứng với trạng thái phòng chống COVID-19 (chiếm 29,7%); triển khai kênh bán hàng thay thế, bán hàng đa kênh (chiếm 27,2%).

Tính từ đầu tháng 10/2021, Nghị quyết 128 cho phép chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã tạo tiền đề để các địa phương mở cửa trở lại, tình hình kinh doanh của các nhà bán hàng có sự khởi sắc, 46,7% chủ cửa hàng đã có sự tăng trưởng doanh thu trở lại.

Biện pháp khác được các chủ nhà hàng, chủ shop, doanh nghiệp bán lẻ áp dụng nhằm đối phó với dịch bệnh và giãn cách xã hội bao gồm: Cắt giảm chi phí cửa hàng và mặt bằng; chuyển đổi mặt hàng cung ứng để phù hợp với tình hình thực tế; phát triển hoặc kinh doanh dòng sản phẩm mới; phân bổ nguồn vốn để đầu tư sang lĩnh vực khác (ngoài bán lẻ và dịch vụ ăn uống); lập kế hoạch dự phòng ngân sách.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi kinh tế số và giãn cách xã hội đã tạo bối cảnh thuận lợi cho các hình thức giao dịch không tiền mặt tăng trưởng. 89,3% nhà bán hàng đánh giá tích cực về các hình thức thanh toán không tiền mặt, coi đó là xu hướng của hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, 10,4% chủ cửa hàng gặp khó khăn trong đối soát, chi phí duy trì cao và cho rằng thanh toán không tiền mặt là không cần thiết. Dự đoán trong thời gian tới, nhiều công cụ thanh toán không tiền mặt mới sẽ ra mắt thị trường, tạo nên sự đa dạng, linh hoạt và giảm thiểu khó khăn của nhà bán hàng khi ứng dụng trong bán lẻ.

Nhiều lạc quan trong năm 2022

Từ cuối năm 2021, nhờ độ phủ vắc xin COVID-19 và các chính sách kích cầu kinh tế, Việt Nam dần kiểm soát dịch bệnh và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Nhu cầu tiêu dùng một lần nữa trở thành động lực cho tăng trưởng; bán lẻ và dịch vụ sẽ là hai ngành đón đầu xu hướng chi tiêu hậu giãn cách, hứa hẹn một triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2022.

Kết thúc năm 2021, có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.

Bước sang năm 2022, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống. Những doanh nghiệp đã đầu tư và xây dựng nền tảng trực tuyến hiệu quả, tiếp cận linh hoạt với thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đa kênh. Thực tiễn chứng minh, những doanh nghiệp, cửa hàng chuyển đổi số sáng tạo, nhanh chóng đã thích ứng và phát triển trong hai năm đại dịch vừa qua.

Xu hướng thứ hai là chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch. Tiếp tục trong năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn.

Xu hướng thứ ba là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Khi công nghệ đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm bán lẻ hiện đại, giãn cách xã hội và dịch bệnh làm cho khoảng cách của người mua và người bán xa nhau hơn, sức mạnh của sự kết nối giữa con người với nhau sẽ phát huy tác dụng. Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, vẫn có 9,4% nhà bán hàng bi quan về tình hình kinh doanh năm 2022. Những tác động xấu của dịch bệnh và giãn cách xã hội vẫn tiếp tục ảnh hưởng cục bộ đến nhiều khu vực, trong đó ngành bán lẻ và ngành dịch vụ, ăn uống vẫn đang gánh chịu những hậu quả nặng nề. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Giới kinh doanh nhận định, bản thân các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ ăn uống đã nỗ lực thích ứng thời gian qua sẽ cần tiếp tục phát huy các biện pháp sáng tạo thời gian tới. Trong đó, họ cần chú trọng đến nguồn nhân lực, dòng tiền và khách hàng; gia tăng sức đề kháng từ công tác phân tích, dự báo và quản trị rủi ro.