Ngành hàng nào hưởng lợi từ xu hướng tăng giá trong năm 2022?

Theo Nguyễn Long/diendandoanhnghiep.vn

Khi giá hàng hóa tăng cao thì một số nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Tại Việt Nam, đó là ngành cà phê, cao su và một phần các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Năm 2021 thường được nhắc đến là năm siêu chu kỳ hàng hóa, vậy trong giai đoạn giá hàng hóa tăng cao, doanh nghiệp nên phòng vệ như thế nào và đâu là những ngành hưởng lợi từ xu hướng giá tăng? Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).

Phóng viên: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về biến động giá hàng hóa trong năm 2022?

Ông Dương Đức Quang: Như mọi người đã biết, năm 2021 được đánh giá là năm siêu chu kỳ hàng hóa khi mà hầu hết giá các hàng hóa nguyên liệu đều có mức tăng ấn tượng. 

Nhưng theo tôi năm 2022 mới thực sự là năm thị trường sẽ chứng kiến những biến động lớn khi các nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Hoạt động sản xuất và thương mại khôi phục trở lại sẽ là động lực thúc đẩy khả năng cung ứng cũng như nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa nguyên liệu như dầu thô, kim loại hay nguyên liệu công nghiệp.

Năm 2022 cũng là năm có sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn từ nới lỏng sang thắt chặt hơn để kìm chế lạm phát. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng biến động của giá hàng hóa nói chung.

Hiện giờ còn quá sớm để dự báo giá hàng hóa sẽ tăng hay giảm trong cả năm 2022, nhưng theo tôi thị trường sẽ có những biến động lớn và đáng chú ý hơn so với năm 2021.

Phóng viên: Với việc giá hàng hóa được dự báo tăng cao trong năm 2022, theo ông liệu có ngành hàng nào sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này?

Ông Dương Đức Quang: Khi giá hàng hóa tăng cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Tại Việt Nam, đó là ngành cà phê, cao su và một phần các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép.

Ví dụ như cà phê, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê Robusta số 1 trên thế giới. Khi kinh tế hồi phục trở lại, nhu cầu sử dụng cà phê sẽ tăng lên và là cơ hội xuất khẩu lớn cho nước ta trong năm 2022. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay lượng hàng tồn kho tại Việt Nam đang ở mức cao do hoạt động xuất khẩu bị đình trệ do đại dịch COVID-19, nên năm 2022 dự báo sẽ là năm xuất khẩu cà phê bùng nổ. Giá cà phê đang ở mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho bà con nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước.

Bên cạnh đó, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lớn như cao su, gạo, hồ tiêu cũng là những ngành nghề sẽ được hưởng lợi khi giá tăng cao.

Phóng viên: Theo ông để chuẩn bị cho năm 2022, doanh nghiệp cần có biện pháp phòng vệ nào trước biến động giá hàng hóa, thưa ông?  

Ông Dương Đức Quang: Trong kịch bản thị trường hàng hóa đi lên, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ cần phải đề cao vai trò của nghiệp vụ bảo hiểm giá. Tại Việt Nam, tiêu biểu có thể kể đến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn nông sản nguyên liệu như ngô và khô đậu tương. Nước ta đang là nước nhập khẩu khô đậu tương số 1 thế giới và nhập khẩu ngô lớn thứ 6 trên thế giới, vì thế khi giá tăng cao như hiện nay, các doanh nghiệp đang ở trong thế khó và sẽ tạo hiệu ứng tiêu cực lên toàn bộ chuỗi sản xuất chăn nuôi trong nước.

Để giải bài toán này, các doanh nghiệp phải thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro trong hoạt động nhập khẩu đầu vào, cụ thể là sử dụng các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn để chốt giá sớm. Tôi xin nhấn mạnh, đây là nghiệp vụ rất quan trọng trong bối cảnh này, nếu không muốn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị thả nổi và phó mặc may rủi theo giá thế giới.

Có rất nhiều công cụ có thể giúp doanh nghiệp bảo hiểm giá một cách hiệu quả và đã đến lúc chúng ta phải thực sự nhìn nhận lại tầm quan trọng của nghiệp vụ này.

Phóng viên: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam trong năm 2022 có kế hoạch phát triển đa dạng hàng hóa giao dịch trên Sở như thế nào?

Ông Dương Đức Quang: Như đã trao đổi ở trên, sự biến động trên thị trường hàng hóa là tất yếu và không thể tránh khỏi. Khi giá hàng hóa biến động, đôi khi sẽ có lợi có doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng có thời điểm sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chính vì thế, với vai trò là đơn vị tổ chức thị trường tập trung đầu tiên tại Việt Nam, MXV đã và đang liên tục đa dạng các sản phẩm để các doanh nghiệp có thêm các công cụ bảo hiểm giá.

Trong năm 2021, MXV đã liên thông với Sở Giao dịch Kim loại London (LME) và đưa vào giao dịch 6 mặt hàng kim loại công nghiệp quan trọng. Điều này đã nhận được sự ghi nhận của các doanh nghiệp luyện kim và kinh doanh kim loại trong nước, khi giá LME được coi là giá tham chiếu trong hoạt động xuất nhập khẩu kim loại.

Bên cạnh đó, sản phẩm giao dịch chênh lệch giá (spread) cũng được các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đón nhận với khối lượng giao dịch lớn.

Trong năm nay 2022, MXV sẽ sớm đưa vào triển khai giao dịch hợp đồng quyền chọn (pptions). Đây là công cụ tối ưu trong hoạt động bảo hiểm giá, đang được sử dụng rộng rãi bởi các tập đoàn và doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn trên toàn thế giới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nỗ lực để niêm yết một vài sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như cà phê, gạo, cao su, để các doanh nghiệp trong nước tận dụng được lợi thế sân nhà và mang lại nhiều lợi ích hơn khi giao thương với các đối tác quốc tế.

Xin cảm ơn ông!