Ngành hàng tiêu dùng nhanh: Mua bán, sáp nhập nhộn nhịp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm, nước giải khát), là tâm điểm của hoạt động kinh doanh trong năm 2014. Đây được coi là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất trong hoạt động đầu tư, bởi tiết kiệm các nguồn lực, thời gian và tránh được rào cản thương mại. Trong thời kỳ hội nhập, M&A là phương thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt phát triển thị trường.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh: Mua bán, sáp nhập nhộn nhịp
M&A trong ngành hàng tiêu dùng nhanh là tâm điểm của hoạt động kinh doanh trong năm 2014. Nguồn: internet

Thời điểm cuối năm 2013, ngành tiêu dùng đạt mức độ tăng trưởng hơn 17%, tăng 6% so với quý III. Tốc độ tăng trưởng ổn định khiến thị trường mua bán và sáp nhập trong ngành hàng tiêu dùng nhanh sôi động. Ngành này đã chứng kiến thương vụ mua bán và sáp nhập tiêu biểu giữa Hãng Kohlberg Kravis Roberts & Co. LP (KKR) và Masan Consumer. Nhờ tiền giải ngân của KKR, Masan Consumer trong thời gian qua đã thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập lớn trong ngành giải khát và thực phẩm như mua 53% cổ phần của VinaCafe Biên Hòa, 40% cổ phần của Proconco và 63,5% cổ phần của Nước khoáng Vĩnh Hảo. Hoạt động mua bán và sáp nhập ngành tiêu dùng nhanh đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế nước ta, với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Mỹ và Đông Nam Á…

Theo Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư Công ty chứng khoán Bảo Việt Tào Minh Dương, các doanh nghiệp cần tỉnh táo, nếu không rất dễ bị thâu tóm trong hoạt động mua bán và sáp nhập với doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nên có quan hệ cổ đông tốt để các cổ đông có quyết định sáng suốt khi đối tác nhận lời chào mua cổ phiếu của doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp khi chào đón nhà đầu tư cần có chiến lược rõ ràng và cơ cấu sở hữu hợp lý để khi có nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp vẫn bảo đảm theo chiến lược đã định, đồng thời tận dụng được lợi thế của nhà đầu tư chiến lược.

Việt Nam với hơn 90 triệu dân, trong đó khoảng 70% dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi), 56% dân số dưới 30 tuổi, thực sự là tiền đề cho sự phát triển ngành hàng tiêu dùng nhanh. Thị trường Việt Nam được đánh giá là đích ngắm của các nhà đầu tư châu Âu, châu Mỹ bởi lợi thế thành viên khối ASEAN. Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tất cả hàng rào thuế quan sẽ được xóa bỏ vào năm 2015, linh hoạt tới năm 2018 cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam. Việc xóa bỏ thuế quan sẽ giúp xây dựng ASEAN thành thị trường chung với luồng lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động lành nghề.

Đồng thời, việc liên kết kinh tế giữa các quốc gia thành viên ASEAN sẽ giúp giảm chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả thương mại đầu tư, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ngành bán lẻ và ngành tiêu dùng nhanh. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, cũng như Việt Nam mở rộng thị trường ra nước ngoài khiến hoạt động này hiệu quả hơn. Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho biết, đến năm 2015, 2018 khi Việt Nam mở cửa thị trường phân phối và bán lẻ, Phú Thái sẽ liên kết với một số công ty nước ngoài để cùng phát triển, mở rộng thị trường ra các nước.

Tổ chức Giám sát Kinh doanh Quốc tế dự báo, mức tiêu thụ bình quân hàng tiêu dùng nhanh theo đầu người ở Việt Nam ước đạt hơn 4,5 triệu đồng trong năm 2014. Ước tính, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng kép. Việt Nam tiếp tục là thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư chiến lược vào lĩnh vực này. Tư vấn về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sao cho hiệu quả, Đại diện Công ty Record của Nhật Bản cho biết, các doanh nghiệp cần lưu ý kênh phân phối là nhân tố quan trọng tác động mạnh tới hoạt động cung ứng sản phẩm. Bên mua trong ngành hàng tiêu dùng nhanh không chỉ quan tâm tới cơ sở sản xuất, mà còn muốn sở hữu hệ thống kênh phân phối rộng lớn. Hệ thống phân phối giúp sản phẩm của doanh nghiệp bên mua tiếp cận thị trường một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất.

Thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng nhanh. Dựa vào thương hiệu, doanh nghiệp được định vị trong mắt của khách hàng. Chính vì thế, khi tiến hành mua bán và sáp nhập, doanh nghiệp thu mua ngoài mục đích thâu tóm doanh nghiệp đơn thuần vì lý do tiết kiệm thời gian chiếm lĩnh thị trường, họ rất quan tâm tới thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, điều này doanh nghiệp cũng cần lưu ý để đáp ứng.