Ngành logistics của Hải Phòng: Chưa phát triển xứng tầm

Minh Đức

Theo thống kê, TP. Hải Phòng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp logistics, với hơn 170.000 lao động, 60 kho bãi lớn với tổng diện tích hơn 700 ha được phân bố chủ yếu tại các khu vực cảng biển trọng điểm như Đình Vũ, Tân Vũ, Chùa Vẽ, Hoàng Diệu và Hải An.

Hoạt động trong chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp logistics  còn thiếu sự liên kết chặt chẽ.
Hoạt động trong chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp logistics còn thiếu sự liên kết chặt chẽ.

Để phát triển triển logistics, TP. Hải Phòng đã chủ động xây dựng và triển khai quy hoạch logistics hiện đại, đồng bộ, tập trung phát triển các trung tâm logistics quy mô lớn như khu vực Đình Vũ - Cát Hải, Nam Đình Vũ, VSIP... Những khu vực này không chỉ đóng vai trò lưu trữ, trung chuyển hàng hóa mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kết nối trực tiếp với các khu công nghiệp, cảng biển và các tuyến giao thông chiến lược.

Sở hữu hệ thống cảng biển lớn, hiện đại, trong đó nổi bật là Cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng có khả năng tiếp nhận các tàu container trọng tải lớn, vận hành liên tục và kết nối trực tiếp với các tuyến vận tải biển quốc tế, kết nối trực tiếp với Mỹ, châu Âu và các thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống đường cao tốc, đường sắt và sân bay quốc tế Cát Bi được đầu tư đồng bộ, liên kết chặt chẽ với các trung tâm sản xuất và tiêu dùng trong nước cũng như khu vực ASEAN và Trung Quốc... Đặc biệt, mô hình liên kết cảng biển - khu công nghiệp - trung tâm logistics tạo nên một hệ sinh thái khép kín, giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa.

TP. Hải Phòng có 18 khu công nghiệp đang hoạt động cùng hai khu kinh tế lớn là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và Khu kinh tế ven biển phía Nam với tổng diện tích hơn 40.000 ha, cùng hàng triệu mét vuông nhà xưởng, kho bãi sẵn sàng cho thuê. Thành phố cũng đang xúc tiến thành lập Khu thương mại tự do và Cảng tự do Nam Đồ Sơn với các cơ chế ưu đãi vượt trội.

Ngoài ra, Hải Phòng còn là điểm đầu của hàng hóa từ nội địa đổ về và là cửa ngõ xuất khẩu ra quốc tế. Thành phố được kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc huyết mạch như TP. Hà Nội - TP. Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, tạo điều kiện lý tưởng để hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên... nhanh chóng di chuyển tới cảng biển Hải Phòng. Qua đó, nâng cao hiệu quả vận chuyển, giảm chi phí logistics và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Theo thống kê, dịch vụ logistics duy trì tốc độ tăng trưởng 20-23%/năm và đóng góp khoảng 13-15% GRDP của thành phố. Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Hải - Phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, ngành logistics của Hải Phòng hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế của cả nước. Chi phí logistics của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng vẫn ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực, tạo ra thách thức lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Hải cho rằng, nguyên nhân chính là hoạt động trong chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp còn thiếu sự liên kết chặt chẽ. Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hiện nay chủ yếu mang tính chất hợp tác từng phần, chưa phát triển thành mối quan hệ chiến lược, đồng hành cùng phát triển.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về năng lực, sản phẩm, dịch vụ của nhau, dẫn đến việc chưa tận dụng được lợi thế của các bên để tối ưu hoá chuỗi cung ứng. Việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ lẫn nhau trong nội khối doanh nghiệp địa phương còn hạn chế, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp của ngành logistics.

Để khắc phục những hạn chế, TP. Hải Phòng đã có những chỉ đạo cụ thể nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Thành phố cũng định hướng xây dựng các mô hình chuỗi cung ứng khép kín, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển hạ tầng mềm, và đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Những giải pháp này không chỉ giúp giảm chi phí logistics, mà còn là điều kiện tiên quyết để TP. Hải Phòng hiện thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm logistics hiện đại, hiệu quả và đẳng cấp quốc tế trong tương lai gần.

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics, sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu trên địa bàn cần tăng cường phối hợp, chia sẻ cơ hội hợp tác, đặc biệt là ủng hộ và ưu tiên sử dụng kho bãi, dịch vụ logistics của các doanh nghiệp thành phố. Việc này không chỉ góp phần phát triển nội lực địa phương, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một hệ sinh thái logistics đồng bộ, hiệu quả và bền vững”, ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hải cũng đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics cũng cần chủ động hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu, từ đó tư vấn, cung cấp giải pháp phù hợp, hiệu quả, thay vì chỉ dừng lại ở vai trò cung cấp đơn thuần. Việc thấu hiểu khách hàng, đồng hành cùng doanh nghiệp chính là chìa khóa để nâng cao giá trị dịch vụ và giữ vững mối quan hệ hợp tác lâu dài.